Nỗ lực giữ địa bàn Thủ đô an toàn

Trong trận chiến lần thứ tư chống “giặc” Covid-19, Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ “phòng ngự” sang “tấn công”, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nhờ đó, sau bốn đợt thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã khống chế, không để dịch bùng phát mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ địa bàn Thủ đô an toàn.

Người dân phường Mai Động (quận Hoàng Mai) tham gia làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: DUY LINH
Người dân phường Mai Động (quận Hoàng Mai) tham gia làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: DUY LINH

Bài 1: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Lấy người dân làm chủ thể tham gia, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt, linh hoạt. Phương châm hành động đó đã giúp Hà Nội kiểm soát tốt tình hình, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống người dân.

Hai tháng qua, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 2 phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) ở các chốt trực phòng, chống Covid-19 nhiều hơn cả ở nhà. Không sát sao thế không được, khi tại đây có 600 hộ gia đình, trong đó khoảng 100 hộ là người nơi khác đến thuê trọ, cho nên công tác phòng, chống dịch phải thực hiện nghiêm để hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Không quản nắng mưa, ông Bình cùng những thành viên đã góp phần quan trọng để giữ an toàn cho địa bàn.

Sâu sát từ cơ sở

Những người như ông Bình là lực lượng “chủ công” giúp phường Thanh Nhàn - nơi từng là điểm nóng về dịch Covid-19 của quận Hai Bà Trưng được bình yên trở lại. Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, phường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, phường còn thành lập 10 tổ phản ứng nhanh, kiện toàn 10 tổ Covid-19 cộng đồng, 113 nhóm gồm 288 thành viên để kiểm soát, giám sát và tuyên truyền để người dân cùng tham gia phòng, chống dịch.

Tại quận Hoàn Kiếm, khi dịch bùng phát tại phường Chương Dương, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã họp khẩn trong đêm, bàn các phương án, giải pháp khoanh vùng, truy vết. Quận đã phân công một thành viên Ban Thường vụ về “ba cùng” với phường, ngay tại địa bàn vùng dịch, chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công việc tại phường, trừ những việc khó và đặc biệt quan trọng sẽ báo cáo gấp qua điện thoại cho quận… Chính sự sâu sát cơ sở đó đã thúc đẩy người dân cùng vào cuộc và tạo nên hiệu quả trong phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, người trực tiếp “ba cùng” với nhân dân trong khu cách ly phường Chương Dương từ ngày 31-7 chia sẻ, những ngày đầu áp dụng quyết định cách ly y tế, không ít người dân thiếu hợp tác. Kiên trì vận động và nỗ lực làm tốt công tác hỗ trợ chính là cầu nối để người dân thêm tin tưởng vào quyết định của cấp ủy, chính quyền. Rõ ràng, khi cán bộ chủ chốt gương mẫu, quyết liệt sẽ mang ý nghĩa quyết định trong việc chỉ đạo, thực hiện tốt các mục tiêu chống dịch. Từ Bí thư Thành ủy đến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đều thường xuyên sâu sát cơ sở, có mặt tại từng “điểm nóng” về dịch bệnh để nắm bắt tình hình và chỉ đạo, quyết đáp ngay những vướng mắc. Tinh thần ấy đã lan tỏa từ thành phố đến cơ sở, các sở chỉ huy từ quận, huyện đến xã, phường.

Thành phố còn thực hiện phân cấp, phân quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các cấp ủy và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch; lấy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ. Nơi nào chủ quan, lơ là để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng, cấp ủy cấp trên vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. 

Người dân làm chủ thể

Một kinh nghiệm quan trọng nữa của thành phố được các bộ, ngành khi về làm việc đều ghi nhận là bài học về huy động sức dân. Cấp ủy, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở đều lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ và phát huy vai trò của nhân dân tham gia chống dịch. Nhờ đó, người dân không chỉ phát huy tinh thần tự giác thực hiện, mà còn trực tiếp tổ chức, tham gia giám sát phòng, chống dịch, thiết lập hàng trăm tổ tự quản, bảo vệ “vùng xanh”, tham gia vào hơn 4.500 tổ Covid-19 cộng đồng, tham gia trực, quản lý hàng nghìn chốt kiểm soát dịch ở địa bàn dân cư. “Chính quyền cơ sở xã, phường gần dân nhất đã sát cánh cùng người dân ở từng khu dân cư, tổ dân phố. Đó là nguồn năng lượng lan tỏa mạnh mẽ nhất để truyền thêm động lực cho cộng đồng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, bảo vệ thành trì phòng, chống dịch ở Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá.

Từ mô hình “vùng xanh” đầu tiên tại các phường Mai Động, Đại Kim (quận Hoàng Mai), mô hình “vùng xanh an toàn” đã được nhân rộng, lan tỏa đến nhiều xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố. Và ở đâu cũng thấy rõ vai trò tích cực, đi đầu của cán bộ cơ sở và sự vào cuộc chủ động của người dân. Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Các tổ tự quản có nhiệm vụ trực tiếp giám sát, quản lý “vùng xanh”, không để lây nhiễm từ ngoài vào và lây nhiễm chéo trong vùng. Đến nay, 14 phường của quận Hoàng Mai đã thành lập 296 tổ tự quản với 470 chốt “vùng xanh”, trong đó có 260 chốt ở khu dân cư và 210 chốt ở các tòa chung cư với gần 4.000 thành viên tham gia các chốt trực, tạo nên những tấm lá chắn bảo vệ địa bàn an toàn. Cùng với đó, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ dân vận đã chủ động phối hợp các tổ Covid-19 cộng đồng giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp thành lập tổ kiểm soát dịch tại các khu dân cư, vận động nhân dân cam kết tham gia thực hiện “cá nhân an toàn”, “gia đình an toàn”. Những mô hình ở cơ sở như: “Chuẩn bị 3 trước”, phong tỏa ba lớp ở Đông Anh; vùng xanh ở Mai Động (quận Hoàng Mai); phòng, chống dịch khép kín ở Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng); cung ứng thực phẩm tại nhà ở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)… đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tăng thêm sức mạnh cho thành phố cho cuộc chiến chống dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với nội lực và quyết tâm của thành phố cùng sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các địa phương bạn, Hà Nội sẽ đẩy lùi dịch bệnh, sớm bắt đầu trạng thái bình thường mới, cùng mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.

(Còn nữa)