Những dấu ấn trong công tác an sinh xã hội

Chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, ban hành một số chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những kết quả nổi bật của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025".

Phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ảnh: HOÀNG HIẾU
Phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ảnh: HOÀNG HIẾU

Năm 2021, thành phố Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn năm triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Đây là dấu ấn đặc biệt trong công tác an sinh của thành phố, thiết thực chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Năm 2021 Chương trình có sáu chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch và 21 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của thành phố tính đến cuối năm 2021 chỉ còn 0,04%; 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo gồm các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và hai huyện: Gia Lâm, Hoài Đức. Thành phố đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 95% người dân, tỷ lệ hỏa táng đạt 68%. Đáng chú ý, thành phố đã triển khai các đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân với quy mô lớn. Đến nay hầu hết người dân đã được tiêm hai mũi vắc-xin, bao gồm cả người cao tuổi, người khuyết tật, người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em từ 12-17 tuổi và hiện nay thành phố đang triển khai tiêm mũi thứ ba.

Cùng với đó, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn năm triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 5 tuổi và một số đối tượng yếu thế khác được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được tiếp cận với nhiều chính sách, dịch vụ trợ giúp để vươn lên.

Trong những kết quả nêu trên có những dấu ấn kịp thời, rõ nét trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Chương trình 08. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã nhanh chóng ban hành một số chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời người dân.

Với tinh thần "để không ai bị bỏ lại phía sau", ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Thành phố còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động tiền điện, tiền nước sinh hoạt trong mùa dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm, máy tính cho học sinh, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Việc thành phố quy định ngân sách thành phố chi trả toàn bộ chi phí hỏa táng cho người tử vong do Covid-19 góp phần chia sẻ với các gia đình bị mất người thân do dịch bệnh. Để hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, Hà Nội đã quy định mức chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2022-2025 cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, nâng mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội cao hơn mức chuẩn của Trung ương. Đồng thời mở rộng ba nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng và ba nhóm đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố. Từ năm 2022, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.

Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Để chăm lo, nâng cao hơn nữa cuộc sống của người dân, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 08 sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với từng nhóm chỉ tiêu và đối tượng. Trong đó, các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế được đặc biệt chú trọng, như chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (đến năm 2025 phải đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân, hiện mới đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân); chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (đến năm 2025 phải đạt 15 bác sĩ/vạn dân, hiện mới đạt 13,7 bác sĩ/vạn dân). Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng của các bệnh viện, trạm y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động cũng sẽ được quan tâm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Chương trình số 08-CTr/TU mang tính nhân văn sâu sắc, tác động đến đông đảo người dân. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, các chỉ tiêu của chương trình cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu "Bí thư các quận, huyện, thị ủy rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ để có giải pháp triển khai phù hợp thực tiễn, kết hợp báo cáo thường xuyên với Ban Chỉ đạo, bảo đảm công việc triển khai một cách thực chất, thiết thực chăm lo cho người dân". Trước mắt, các cấp, các ngành tập trung chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động, những gia đình có người mắc Covid-19 để mọi người, mọi nhà đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần vui tươi, an toàn.