Những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội đã được kiểm soát và từng bước bị đẩy lùi. Để có được kết quả này không thể không nhắc đến vai trò xung kích của những tổ trưởng dân phố, đoàn viên thanh niên,... Họ xứng đáng là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
 

Bà Lê Phương Loan trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bà Lê Phương Loan trao quà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chiến sĩ trên tuyến đầu” là tên gọi trìu mến mà người dân Tổ dân phố số 13, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) dành tặng bà Tổ trưởng Lê Phương Loan. Ở độ tuổi ngoài 60, nhưng trông bà trẻ trung hơn so với tuổi đời của mình. Vừa xếp vài bao gạo lên chiếc xe đạp điện cũ để mang tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà vừa chia sẻ: Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, Tổ dân phố số 13 đã lập chốt bảo vệ “vùng xanh” gồm 16 người, chia làm hai ca trực từ 6 giờ 30 phút đến 19 giờ hằng ngày. Những lúc trực ở chốt, tôi thường kết hợp lập danh sách tiêm vắc-xin cho bà con ở khu dân cư; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ... Hết ca trực, tôi cùng mọi người đi phân phát gói hỗ trợ cho người dân. Buổi tối thì phát phiếu đi chợ cho hàng trăm gia đình trên địa bàn... Công việc bận rộn, nhưng cứ nghĩ đến những y sĩ, bác sĩ, công an, bộ đội đang hết lòng vì miền nam ruột thịt, thì những việc mình làm vẫn chưa thấm tháp vào đâu.

Ngoài công việc của một tổ trưởng dân phố, thì 20 năm qua bà Loan còn là một thiện nguyện viên giàu lòng nhân ái. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều sinh viên, người lao động tự do bị mắc kẹt tại Thủ đô rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bà Loan đã tích cực kêu gọi những nhà hảo tâm ủng hộ gạo, mì tôm, trứng,... để trao tặng họ. Nhiều lao động tự do được bác tổ trưởng tặng gạo, trứng đã xúc động khi được nhận quà. Bà Loan tâm sự, trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân tùy theo sức của mình để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh với mong muốn cuộc sống sẽ sớm trở về bình thường mới. Với suy nghĩ tích cực như vậy, bà Loan càng quyết tâm hơn trong công việc của một người tổ trưởng. Những năm qua bà Lê Phương Loan đã được nhiều ban, ngành quận Thanh Xuân trao tặng nhiều giấy khen. Năm 2017, bà đã được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Về xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) những ngày thực hiện giãn cách, chúng tôi gặp anh Mai Văn Huấn, 45 tuổi, là dân quân trực tại điểm cầu Văn Phương, tiếp giáp xã Văn Võ và xã Phương Trung. Hằng ngày anh Huấn trực chốt từ 4 giờ sáng đến 19 giờ, nhưng anh không quản ngại khó khăn và luôn chấp hành đúng giờ. Cha anh Huấn năm nay ngoài 80 tuổi cần có người chăm sóc, con còn nhỏ, vợ chuẩn bị sinh em bé, công việc bận tối ngày, nhưng anh Huấn vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để chăm sóc gia đình. Ngược lại, mọi người trong gia đình luôn động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Huấn chia sẻ: Để hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh ý chí, quyết tâm cao; còn phải biết khắc phục khó khăn, có lòng kiên trì và tính nhẫn nại. Đã có nhiều trường hợp không đủ điều kiện để qua chốt, khi bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe, chủ phương tiện liền tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí có lời lẽ không hay, nhưng anh, chị em trong chốt căn dặn nhau phải hết sức bình tĩnh để xử lý tốt các tình huống.

Tốt nghiệp khoa Sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội), Hoàng Anh về công tác tại Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, đến nay đã được 15 năm. Khi dịch Covid-19 bùng phát tại huyện Thanh Trì. Hoàng Anh là một trong những nhân viên được giao nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F0, F1, nghi mắc, những người liên quan, sau đó chuyển gửi mẫu xét nghiệm lên các tuyến trên. Từ ngày 24/7 vừa qua, Anh thường xuyên phải thức đêm và ngủ tại TTYT cả tháng trời, những lúc về nhà anh phải tự cách ly với gia đình. Vừa qua, Hoàng Anh được giao nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Nội Bài, các quận, huyện Đống Đa, Mê Linh, Thường Tín. Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi đoàn, Hoàng Anh còn tổ chức tuyên truyền, quyên góp ủng hộ các vật dụng, trang, thiết bị thiết yếu trong công tác phòng, chống dịch. Hoàng Anh chia sẻ, được làm việc gì có ích cho xã hội, cho mọi người, em thấy rất vui.

Bà Loan, anh Huấn, Hoàng Anh... chỉ là những cá nhân trong số hàng chục nghìn người dân bình dị tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch ở cơ sở. Phần lớn họ đều tự nguyện tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, chấp nhận khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm, tất cả vì lợi ích chung của cả cộng đồng ■