Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử

Ðề án "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân (HÐND) các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội" vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành, đang được HÐND các cấp cụ thể hóa gắn với thực tiễn địa phương.

Được coi là "cú huých" góp phần quan trọng bảo đảm HÐND các cấp thành phố Hà Nội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ðề án hướng tới các mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của HÐND các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử; phát huy hơn nữa vai trò của HÐND thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô. Ðề án này góp phần thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường trên địa bàn các quận và thị xã Sơn Tây.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Ðề án xác định một số chỉ tiêu cụ thể đáng chú ý như 100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HÐND quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn. 100% mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17, các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được cụ thể hóa tại nghị quyết của HÐND các cấp, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu. Ðề án cũng đưa ra chỉ tiêu hằng năm, 100% đại biểu HÐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của HÐND các cấp bảo đảm số lượng và chất lượng. Theo đó, HÐND các cấp tổ chức ít nhất hai cuộc giám sát; Thường trực HÐND các cấp tổ chức ít nhất bốn cuộc giám sát, chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp; các ban của HÐND các cấp tổ chức ít nhất từ hai đến bốn cuộc giám sát, khảo sát; các tổ đại biểu HÐND thành phố và cấp huyện tổ chức ít nhất một cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử.

Phấn đấu 100% đại biểu HÐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HÐND, đại biểu HÐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Hằng năm, Thường trực HÐND, tổ đại biểu HÐND tổ chức ít nhất một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề; hằng quý, Thường trực HÐND thành phố tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động HÐND các cấp với Thường trực HÐND cấp huyện, cấp xã; khuyến khích Thường trực HÐND huyện, thị xã tổ chức giao ban chuyên đề với Thường trực HÐND xã, thị trấn sáu tháng/lần.

Ðể tổ chức thực hiện hiệu quả Ðề án này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị ủy chú trọng tới công tác cán bộ HÐND cấp mình, có đề án, lộ trình từng bước kiện toàn tăng số lượng, cơ cấu Thường trực HÐND, lãnh đạo các ban HÐND tham gia cấp ủy và kiện toàn tăng số lượng đại biểu HÐND chuyên trách...

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tổ chức quán triệt thực hiện Ðề án tới cấp ủy các địa phương để lan tỏa việc thực hiện. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng cần tập trung như tổ chức các kỳ họp, ra các quyết sách, giám sát, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri. Các nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nếu có sai phạm sẽ chuyển cơ quan chức năng là chế tài rất quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động HÐND trong thời gian tới. Ðồng chí lưu ý, trong quá trình triển khai Ðề án, trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, trước hết là của Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HÐND từ cấp huyện đến xã rất quan trọng. HÐND cấp huyện cần nhanh chóng tập trung rà soát, hướng dẫn HÐND cấp xã triển khai thực hiện hiệu quả. Với các quận và thị xã Sơn Tây thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần quan tâm tới hơn nữa vai trò của các đại biểu HÐND, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách.