Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

Thời gian qua, chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn và hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) tại Hà Nội đã từng bước được nâng cao, song tình hình quan hệ lao động và hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực Nhà nước (KVNN) còn không ít khó khăn, chưa theo kịp đòi hỏi thực tiễn và kỳ vọng của số đông người lao động (NLĐ).

Công nhân đọc sách tại thư viện của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam.
Công nhân đọc sách tại thư viện của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam.

Chưa theo kịp đòi hỏi thực tế

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang quản lý 45 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với 8.899 CĐCS và 608.630 đoàn viên, trong đó DN ngoài KVNN có 5.480 CĐCS với 413.728 đoàn viên. Thời gian qua năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn được nâng cao, chất lượng hoạt động CĐCS không ngừng được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm mục tiêu tập hợp, thu hút và hoàn thiện phương thức hoạt động. Các CĐCS trong DN ngoài KVNN phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ, tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống công nhân lao động theo hướng thiết thực. Đại diện tập thể NLĐ tham gia xây dựng nội quy, quy chế của DN; thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang, bảng lương… Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô phát triển toàn diện.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng nhận định, nếu so với yêu cầu phát triển ở nước ta thì hoạt động của công đoàn nói chung và CĐCS nói riêng còn chậm đổi mới. Đáng chú ý, đại diện một số CĐCS phản ánh, hoạt động của CĐCS hiện nay đang gặp không ít khó khăn vướng mắc, gây hạn chế phát triển. Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10-10 Trịnh Quốc Cường chia sẻ: Quy định nguồn thu của CĐCS từ hai nguồn chính là đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng và từ phần trích của DN, nhưng với hai nguồn thu này, Ban Chấp hành CĐCS cũng không đủ nguồn lực tài chính để lo cho các hoạt động của CĐCS tốt được, nhất là những CĐCS ít đoàn viên công đoàn thì càng khó khăn. 

Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội Nguyễn Nhị Thanh phản ánh, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho công nhân lao động tại CĐCS còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số NLĐ bị DN xâm phạm quyền lợi hợp pháp mà không biết tự bảo vệ, phải chịu thiệt thòi. “Đơn cử, với đơn thư kiến nghị của tập thể công nhân Công ty cổ phần Cơ điện công trình về việc chủ DN nợ lương và đóng bảo hiểm xã hội, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thành phố đã hướng dẫn, đồng hành với NLĐ để khởi kiện ra tòa… Từ những bất cập đó cho thấy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho NLĐ là việc cấp thiết, đòi hỏi các cấp công đoàn sớm đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp thực tế” - bà Nguyễn Nhị Thanh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải, CĐCS được thành lập tại công ty đã thể hiện được vai trò bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhưng trên thực tế, hoạt động ra sao lại phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là phụ thuộc vào chủ DN và người sử dụng lao động. Rất hiếm chủ DN muốn hoạt động công đoàn lớn mạnh, bởi đồng nghĩa với tiêu tốn thêm tiền của DN khi tăng lương, giảm giờ làm, chi chế độ phúc lợi. Với DN ở khu công nghiệp và chế xuất có hàng nghìn công nhân thì hoạt động công đoàn càng khó khăn, phụ thuộc lớn vào giới chủ.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bên

Đề xuất cách giải quyết khó khăn về tài chính công đoàn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10-10 Trịnh Quốc Cường cho rằng, với thực tế nguồn thu kinh phí hiện nay, CĐCS muốn làm tốt nhiệm vụ thì trước hết cần gắn kết và tranh thủ được ủng hộ của lãnh đạo DN cho công tác công đoàn, biết động viên NLĐ hưởng ứng phong trào thi đua lao động, xây dựng DN phát triển có lợi nhuận, từ đó quan tâm tốt hơn tới đời sống đoàn viên và NLĐ.

Để nâng cao được chất lượng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động, Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng Hà Nội Nguyễn Nhị Thanh đề nghị có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn. Theo đó, cần huy động tối đa nguồn lực (trong đó có xã hội hóa và đóng góp của DN) cho công tác này; các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động nhằm uốn nắn, xử lý kịp thời vi phạm của DN. Tổ chức công đoàn cần xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, trên cơ sở đó quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững vàng về chính trị, tư tưởng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ tuyên truyền tốt.

Đề cập những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong DN ngoài KVNN, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân chia sẻ: Công ty có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với 1.250 lao động, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận năm nay bị sụt giảm, việc thương lượng về lương, thưởng nhiều khó khăn. Song, sau rất nhiều cuộc làm việc, Ban Chấp hành CĐCS đã thương lượng thành công, tăng mức thưởng từ 0,5 lên 1,8 lần so với trước, qua đó NLĐ thấy rõ vai trò của công đoàn trong bảo vệ quyền lợi cho mình. Từ đó, ông Nguyễn Đức Nhân đề nghị chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ CĐCS có tố chất, tích cực bảo vệ quyền lợi của người lao động;  công đoàn cấp trên thường xuyên đến làm việc với CĐCS để có đánh giá hoạt động, qua đó tăng thêm “tầm” của CĐCS đối với lãnh đạo DN và NLĐ. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải cho rằng, CĐCS phải có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, bởi rất nhiều chủ tịch CĐCS cũng là NLĐ ăn lương của DN, phụ thuộc hoàn toàn vào DN sẽ khiến tiếng nói của công đoàn có phần hạn chế. Do vậy, cần bổ sung cơ chế với cán bộ công đoàn, tạo được tâm huyết của cán bộ công đoàn.