Nâng cao chất lượng dân sinh

Quan tâm, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội luôn là chủ trương nhất quán, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội những năm qua. Trong đó, việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện được đặc biệt chú trọng.

Tháng 9/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, ở khu vực nông thôn, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ hai triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Còn ở khu vực thành thị, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có mức thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Như vậy, chuẩn nghèo của thành phố tiếp tục được điều chỉnh, tạo điều kiện mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ. Từ năm 2016 đến trước khi có quy định mới, chuẩn nghèo trên địa bàn Hà Nội là 1,1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị cũng đã cao hơn mức chung của cả nước.

Cũng trong tháng 9, khi thành phố cùng cả nước phải đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với người dân, thành phố đã tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội là 440.000 đồng/người/tháng đối với tám nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm sáu nhóm đối tượng). Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương, dự kiến kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành). Trong đó thành phố đã đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do Trung ương quy định.

Từ đầu năm đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô chung sức đồng lòng, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định cuộc sống. HĐND thành phố đã kịp thời ban hành nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nghị quyết hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trong bốn tháng cuối năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Bên cạnh chính sách hỗ trợ hơn 1.000 hộ nghèo, Mặt trận thành phố đã mở rộng hỗ trợ tới người lao động bị dừng việc làm, mất việc làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo các quyết định, nghị quyết của thành phố; sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang thuê trọ, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn. Đáng chú ý, những người không có hộ khẩu Hà Nội, chưa làm đăng ký tạm trú có nhu cầu, nguyện vọng cũng được xem xét hỗ trợ, cho nên chỉ trong chưa đầy một tháng triển khai, hệ thống mặt trận các cấp của thành phố đã dành gần 86 tỷ đồng hỗ trợ hơn 171 nghìn người. Chính sách hỗ trợ này là cố gắng của thành phố để không người dân nào gặp khó khăn trong mùa dịch bị sót lọt.

Tính đến ngày 11/10, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của TP Hà Nội và huy động xã hội hóa để quyết định hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do thiệt hại của dịch Covid-19 với tổng kinh phí 1.523,357 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 1.129,998 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 393,358 tỷ đồng.

Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025” của Thành ủy Hà Nội khóa 17, đã đề ra 27 chỉ tiêu phấn đấu trong 5 năm tới. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm; duy trì 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định, từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thời gian tới thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống an sinh xã hội bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của thành phố. Tập trung hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm các nhóm yếu thế được tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản.

Đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện công khai, minh bạch trong khai thác, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, ngân sách thành phố giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, tương xứng với khả năng, điều kiện phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân; trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.