Mỹ Đức khai thác tiềm năng để phát triển

Mặc dù có cố gắng, tuy nhiên huyện Mỹ Đức hiện vẫn là địa phương nằm tốp cuối của Hà Nội. Bên cạnh sự nỗ lực của huyện, thành phố cũng cần quan tâm đầu tư về hạ tầng để khơi dậy tiềm năng về du lịch, tạo sức bật mạnh hơn cho địa bàn này.

Tuyến đường liên xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức được mở rộng khang trang, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân. (Ảnh KIM NHUỆ)
Tuyến đường liên xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức được mở rộng khang trang, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân. (Ảnh KIM NHUỆ)

Những ngày này, về các xã Đồng Tâm, Tuy Lai, Lê Thanh, An Mỹ... của huyện Mỹ Đức, điều dễ nhận thấy là có rất nhiều tuyến đường mới ở các địa phương đã được đầu tư mở rộng, đổ bê-tông hay thảm nhựa, thẳng tắp và rộng rãi, nối dài tới các ngõ xóm, làng quê. Dọc hai bên đường liên xã, liên thôn là những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó là những công trình trường, lớp học, nhà văn hóa, trạm y tế... cũng được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới. Diện mạo mới này đã giúp cho tất cả 21 xã của Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới và là tiền đề quan trọng để huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong nhiệm kỳ này.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, Nguyễn Anh Dũng cho biết, đây là kết quả có được từ sự chủ động và linh hoạt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ của huyện thời gian qua. Năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, Huyện ủy Mỹ Đức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, trọng tâm là thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành tất cả 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 218% kế hoạch. Riêng quý I/2022, thu ngân sách ước thực hiện đạt 66,5 tỷ đồng (bằng 36% dự toán thành phố giao); thu ngân sách huyện, xã, thị trấn ước thực hiện đạt hơn 1.108 tỷ đồng, bằng 66% dự toán thành phố giao và bằng 50% dự toán HĐND huyện giao, bằng 129% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, điều mà lãnh đạo huyện còn trăn trở là dù huyện có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là du lịch, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ngoài Chùa Hương, rất ít người biết Mỹ Đức còn sở hữu hồ Quan Sơn, được gọi là “vịnh Hạ Long trên cạn” với diện tích khoảng 1.465 ha, trong đó có hơn 500 ha mặt hồ với nhiều núi đá, đảo nổi. Cách đó không xa là Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai có núi đồi và hệ thống hồ nước, khí hậu trong lành, phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, nhưng nhiều năm qua, du lịch Mỹ Đức vẫn chưa phát huy hết những lợi thế sẵn có do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và khó khăn trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm.

Tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy vừa qua, lãnh đạo huyện Mỹ Đức kiến nghị thành phố cho phép kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết, ý tưởng dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án quần thể khu du lịch Hương Sơn-An Phú-Quan Sơn; xem xét thu hồi dự án và kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực triển khai hai dự án phát triển du lịch quy mô lớn đã được phê duyệt từ năm 2008, nhưng đến nay chưa triển khai. Đó là Dự án sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn với diện tích 1.465 ha và Dự án sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Tuy Lai với diện tích 1.360 ha.

Huyện Mỹ Đức cũng kiến nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp huyện lập quy hoạch, tổ chức đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh quyển đối với khu danh thắng chùa Hương; xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xét công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đồng tình với những đề xuất này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, huyện Mỹ Đức phải xác định rõ định hướng là phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, di tích, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định sự phát triển. Trong đó mấu chốt để đánh thức tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa Mỹ Đức phát triển bứt lên là phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông; đầu tư, khai thác tiềm năng to lớn của Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai...

Bí thư Thành ủy chỉ rõ, để khắc phục khó khăn, tạo sức bật cho địa phương, lãnh đạo huyện phải đổi mới tư duy, nhận thức và phương thức quản lý; khơi dậy trong cán bộ và nhân dân khát vọng vươn lên, mỗi người dân phải là chủ thể, cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển chung. “Nếu để khó khăn kéo dài thì tiềm năng cảnh quan, thiên nhiên dù giá trị đến mấy cũng sẽ mai một, nên lãnh đạo huyện phải có tư duy đột phá, từ góc nhìn tổng thể để tính toán xây dựng kế hoạch phát triển”, Bí thư Thành ủy nói và cũng yêu cầu huyện và các sở, ngành thành phố bám sát Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương lập các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết các điểm phát triển du lịch nêu trên bảo đảm đồng bộ, hiệu quả gắn với bảo vệ vùng xanh, phát triển bền vững ■