Mê Linh hoàn thành nhiệm vụ kép

Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, bức tranh kinh tế-xã hội của huyện Mê Linh (Hà Nội) vẫn có nhiều điểm sáng. Huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, kinh tế tăng trưởng 7,6%, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện đang đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với định hướng phát triển đô thị phía bắc của Thủ đô vào năm 2030.

Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại hoa Mê Linh F Farm. Ảnh: DUY LINH
Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại hoa Mê Linh F Farm. Ảnh: DUY LINH

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ động phòng, chống dịch

Là địa bàn có khu công nghiệp Quang Minh, nhiều làng cổ, mật độ cư dân đông, khả năng lây nhiễm dịch Covid-19 cao, vì vậy huyện luôn chủ động xác định phải đặt địa bàn trong trạng thái cảnh báo dịch cao hơn một mức so với yêu cầu của thành phố để triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ðể tăng cường phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thành lập các Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ người ra vào nhà máy, doanh nghiệp, nhất là người di chuyển giữa các vùng có dịch; thực hiện phương án tổ chức làm việc "ba tại chỗ" hoặc thực hiện phương án làm việc "một cung đường, hai điểm đến" trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn, đồng thời không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Từ ngày 26/10/2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ, huyện tập trung công tác rà soát, xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người hơn 18 tuổi, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; thành lập 18 trạm y tế lưu động tại 13 nhà văn hóa, năm trạm tại trường học và hai trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp Quang Minh với 90 cán bộ y tế; sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết, duy trì vận hành hiệu quả ba khu cách ly tập trung...

Nhờ đó, có thời điểm trên địa bàn huyện xuất hiện ổ dịch lớn như ổ dịch tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và mỗi người dân thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, dịch Covid-19 trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế. Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu đạt 30.376 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,6% năm 2020. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 1/2022 khoảng 815 tỷ đồng, đạt 129,3% kế hoạch vốn thành phố giao, 98,9% kế hoạch vốn huyện giao sau điều chỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.571 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2020.

Xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, huyện Mê Linh đã hình thành những vùng chuyên canh, như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50 ha trở lên tại các xã Tam Ðồng, Liên Mạc, Kim Hoa...; Vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong; Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Ðại Thịnh; Vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư ở các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng… Với hiệu quả đã được khẳng định, huyện xác định hướng phát triển trong thời gian tới là xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao.

Ðến thăm trang trại F Frarm ở thôn Nội Ðồng, xã Ðại Thịnh của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Dũng, chị Nguyễn Thị Thúy, những ngày giáp Tết Nguyên đán cảm nhận rõ không khí hối hả chuẩn bị vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Hơn 50 nghìn gốc lan hồ điệp phát triển tốt, đua nhau khoe sắc. Chị Thúy cho biết, hai năm nay, gia đình chị đầu tư hơn 12 tỷ đồng trồng hoa lan hồ điệp theo công nghệ cao trong nhà màng và trồng các giống sen quý trên diện tích 4 ha mặt nước, cùng với đó chế biến sản phẩm chè sen… đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trang trại đẩy mạnh thương mại điện tử, doanh thu từ việc bán hàng qua mạng của đơn vị chiếm 30% tổng doanh thu.

Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, Phạm Thành Ðô cho biết, nhiều mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện đã được xây dựng, nhân rộng, mang lại giá trị cao và thu nhập bền vững cho người nông dân. Ðể có thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện Mê Linh đã vận động các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối, hình thành các đầu mối thu gom lớn để định hướng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, tránh để xảy ra tình trạng cung vượt cầu dẫn đến rớt giá.

Phát biểu tại buổi làm việc mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chỉ đạo, huyện Mê Linh cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng bài bản; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị, gắn với định hướng phát triển đô thị phía bắc của thành phố.