Mạnh tay xử lý vi phạm quỹ bảo trì chung cư

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm đến công tác quản lý, vận hành chung cư, nhưng tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân và gây mất trật tự xã hội.

Một tổ hợp chung cư tại Hà Nội.
Một tổ hợp chung cư tại Hà Nội.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 930 nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có 132 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2006 và 796 nhà chung cư hoàn thành, đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006. Trong số những chung cư đưa vào sử dụng trước ngày 1/7/2006, có 93 trường hợp đã thành lập Ban quản trị, còn 39 chung cư chưa thành lập Ban quản trị do chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005, không quy định kinh phí bảo trì cho nên cư dân không muốn thành lập quỹ. Còn đối với 796 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, có 567 chung cư thành lập Ban quản trị, nhưng mới có 414 chung cư hoàn thành bàn giao kinh phí bảo trì từ chủ đầu tư cho ban quản trị, còn khoảng 150 chung cư chưa hoàn thành bàn giao quỹ bảo trì với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Việc chủ đầu tư cố tình "ôm" quỹ bảo trì đã ảnh hưởng đến công tác duy tu, bảo trì chung cư, dẫn đến nhiều tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, gây mất trật tự xã hội. Ðiển hình như tại chung cư Riverside Garden, số 349 phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC đã bị Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt 275 triệu đồng vì đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định; đồng thời chủ đầu tư còn giữ hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trong tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng. Mặc dù chủ đầu tư đã chấp hành việc xử phạt và chuyển một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất quyết toán kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Tại chung cư Bắc Hà - C14 (quận Nam Từ Liêm), Ban quản trị nhiệm kỳ 2017-2020 đã gửi kinh phí bảo trì tại ba ngân hàng, trong khi quy định chỉ cho phép được mở một tài khoản ở một ngân hàng và không bàn giao hồ sơ, không quyết toán kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhiệm kỳ mới...

Ðể tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, ngày 28/6/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có kế hoạch triển khai. Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra hơn 80 nhà chung cư, qua đó xử phạt hành chính 13 trường hợp với số tiền hơn 900 triệu đồng; đồng thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị và quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với năm chủ đầu tư.

Ðáng chú ý, đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với các chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư xảy ra tranh chấp gay gắt liên quan công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tại một số địa phương, trong đó có nhiều trường hợp tại Hà Nội. Kết thúc đợt thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 Ban quản trị tại 24 chung cư, buộc 12 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển cho ban quản trị tổng số kinh phí bảo trì gần 345 tỷ đồng; đồng thời, buộc năm chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm cho cư dân, có giá trị hơn 62 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính tám chủ đầu tư hơn một tỷ đồng.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng thanh tra chuyên ngành về nhà ở, trong đó tăng cường thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định. Công an thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn; theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban quản trị tăng cường công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm. Hy vọng, với những chỉ đạo quyết liệt trên đây, trong thời gian tới công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả ■ 

Ngọc Thanh