Không để tình trạng dịch chồng dịch

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 159 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Ðáng lưu ý, trong những tuần gần đây, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh, một số địa bàn như huyện Hoài Ðức đã xuất hiện các ổ dịch có số ca mắc lớn. Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vaccine (vắc-xin) (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, theo chu kỳ, cứ hai năm một lần, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền bắc.

Năm 2017, dịch bệnh này đã gia tăng mạnh ở miền bắc, trong đó Hà Nội trở thành điểm nóng với 37.651 ca mắc và bảy người chết. Như vậy, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, thời tiết mùa hè ở Hà Nội nóng ẩm, thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây bệnh, có thể lan rộng thành dịch.

Trước nguy cơ này, tháng 6-2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết. Trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động cộng đồng phù hợp với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm an toàn. Các xã, phường, thị trấn có nguy cơ thấp về dịch Covid-19 (không có ca mắc Covid-19, không có người tiếp xúc gần, người nghi ngờ mắc bệnh…) đã tổ chức chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng, chống sốt xuất huyết với quy mô nhỏ, không tập trung đông người.

Ngoài ra, các Trung tâm y tế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức, nhất là tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao về sốt xuất huyết. Riêng đối với các khu vực có nguy cơ xuất hiện, lây lan, bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết cần đẩy mạnh các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chủ động phun hóa chất trên diện rộng để phòng bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai diệt bọ gậy, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có nguy cơ được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi. Chỉ đạo các trung tâm y tế giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật.

Bên cạnh nững giải pháp của ngành chức năng, để chủ động ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, mỗi hộ gia đình, người dân cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ cho nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, không để các dụng cụ chứa nước trở thành nơi sinh sản của muỗi. Ðồng thời, chủ động thực hiện các giải pháp như nằm ngủ màn, sử dụng thuốc chống muỗi, diệt muỗi… để bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ sốt xuất huyết.

Gia Minh