Khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế

Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16 đã tập trung phân tích, đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước khơi thông, huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông sản an toàn Sơn Công (huyện Ứng Hòa). Ảnh: SƠN TÙNG
Mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông sản an toàn Sơn Công (huyện Ứng Hòa). Ảnh: SƠN TÙNG

Năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành phố đề ra 22 chỉ tiêu, 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội an toàn, hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Thành phố Hà Nội đặt ra 22 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022, trong đó phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,0 đến 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 139 triệu đến 141 triệu đồng; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố... Theo nhận định của các đại biểu HĐND thành phố, trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, mức tăng trưởng Hà Nội đặt ra trong năm 2022 là khá cao, khẳng định quyết tâm phục hồi và phát triển của thành phố. Tuy nhiên, để có thể đạt mục tiêu đề ra, thành phố cần nhiều hơn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách thực chất, từng bước khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển. 

Đề xuất rà soát lại để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) đề nghị những vấn đề còn khúc mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ ngay như: Đầu tư công, các dự án đầu tư bất động sản, nhất là việc giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng, giao đất cho các dự án phát triển đô thị hoặc các dự án giao rồi nhưng chưa thực hiện được. Đại biểu cho rằng nếu nguồn lực này được tháo gỡ, hanh thông thì đây là nguồn vốn khá lớn để khơi thông kinh tế Thủ đô.

Nhận định việc thực hiện đầu tư công trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, trong đó có những vướng mắc từ công tác giải phóng mặt bằng như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-ga Hà Nội, đại biểu Đàm Văn Huân (tổ Gia Lâm) cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã có đề xuất tách giải phóng mặt bằng riêng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất thành phố kiến nghị với Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm việc tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng với dự án đầu tư. Đồng thời thành phố cần công bố sớm giá vật liệu xây dựng, bởi nếu chậm công bố giá vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp đang chao đảo sau hai năm chống chọi với đại dịch, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô mong thành phố có thêm những chính sách, giải pháp mang tính đột phá, trong đó quy hoạch cần đi trước một bước. Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ Quốc Oai) cho rằng, trong bối cảnh dịch tác động thì ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Vì thế, thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa để có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, về cơ chế chính sách để doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác phát triển ngành kinh tế quan trọng này.

Quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu năm 2022

Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, phức tạp, để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp các trạm y tế cơ sở. Hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh. Mở rộng độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vắc-xin cho trẻ em từ đầu năm 2022. UBND thành phố đã báo cáo HĐND thành phố gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, với trạng thái mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thành phố đã đề ra giải pháp phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Đó là thực hiện thông điệp “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ”, trong đó vai trò của mỗi người dân, mỗi gia đình vẫn là quan trọng nhất, đó là tuân thủ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.

Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7 đến 7,5%, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, thành phố sẽ tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ, tập trung vào các nhóm chính sách gồm: Y tế và phòng, chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành.

Hà Nội bước vào năm 2022 với nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những kết quả thành phố đã đạt được trong năm 2021 khi là một trong những địa phương duy trì được tốc độ phát triển trong thời điểm khó khăn, bảo đảm cân đối thu chi và là điểm sáng trong chỉ đạo, điều hành trước tác động bất thường của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, cử tri cũng như đông đảo người dân Thủ đô tin rằng, đây là những  điều kiện thuận lợi để thành phố thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.