Khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội

Sau khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành đã "tung" nhiều sản phẩm mới. Trong đó, tua bộ hành khám phá "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" do Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách du lịch.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tua khám phá "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội".
Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tua khám phá "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội".

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, đến nay, những công trình kiến trúc Pháp tại Hà Nội vẫn đang được sử dụng, là điểm nhấn kiến trúc, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô, góp phần tạo nên một diện mạo Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại với những nét duyên dáng. Thích ứng với trạng thái bình thường mới, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã giới thiệu tua bộ hành khám phá ba kiến trúc tiêu biểu thời Pháp thuộc tại Hà Nội, gồm: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà khách Chính phủ. Cả ba công trình kiến trúc nêu trên nằm gần nhau, trên trục đường Tràng Tiền và Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm).

Tua bộ hành được bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tại đây, khách tham quan được giới thiệu về kiến trúc độc đáo và một số hiện vật tiêu biểu được lưu giữ tại bảo tàng. Hầu như ai cũng biết đây là một kiến trúc do người Pháp xây dựng. Nhưng khi tham gia tua du lịch, khách tham quan được hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp phương Đông được các kiến trúc sư hòa trộn khéo léo, tinh tế với kiến trúc Pháp ở công trình này. Do số lượng hiện vật rất lớn, cho nên Ban Tổ chức chỉ giới thiệu cho khách tham quan ba hiện vật là bảo vật quốc gia: Trống đồng Ngọc Lũ, sách vàng và ấn vàng - báu vật biểu trưng cho quyền lực tối cao của các vị vua triều Nguyễn. Tiếp đó, khách tham quan được hướng dẫn đi bộ sang Nhà hát Lớn. Tại đây, khách tham quan được nghe những câu chuyện về một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của Hà Nội. Hành trình kết thúc tại Nhà khách Chính phủ, trước đây là Bắc Bộ phủ, nơi từng là biểu trưng quyền lực của chế độ thực dân, phong kiến xưa, đồng thời, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc sau Cách mạng Tháng Tám - 1945.

Với việc tham quan ba công trình kiến trúc Pháp thuộc diện nổi bật nhất của Thủ đô, khách du lịch được cung cấp cái nhìn tổng quan về kiến trúc Pháp, nhận diện và so sánh để thấy được giá trị nổi bật của các công trình kiến trúc, phong cách kiến trúc, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ 20. Đồng thời, khách du lịch cũng được giới thiệu những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước gắn với những kiến trúc nổi tiếng này, trong đó đáng chú ý là Nhà hát Lớn và Nhà khách Chính phủ. Ông Dương Khánh Toàn, một khách tham quan cho biết: "Tôi từng đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn, nhưng lần tham quan này được hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết về kiến trúc, lịch sử, ý nghĩa của các biểu tượng… giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị của các công trình và thêm yêu Hà Nội".

Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các thành viên tham gia đoàn tham quan giữ khoảng cách và không tiếp xúc với nhau theo phương châm "không chạm". Tua bộ hành "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" sẽ tiếp tục được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Mỗi ngày, Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức hai tua vào sáng và chiều.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: "Tua tham quan giới thiệu đến các vị khách nét đẹp mỹ thuật kiến trúc với lịch sử văn hóa. Chúng tôi tin rằng các du khách sẽ thích thú tìm hiểu". Trong dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng ra mắt sản phẩm thuyết minh tự động giới thiệu trưng bày (App Audioguide). Với ứng dụng này, chỉ với điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng có thể kết nối in-tơ-nét (không phải trả phí để tải ứng dụng), du khách có thể tự do khám phá các nội dung, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung thuyết minh tự động bao gồm các bản giới thiệu trưng bày bảo tàng với các cấp độ thông tin từ giới thiệu chung, các chủ đề, tiểu đề, sưu tập, hiện vật tiêu biểu và được phân chia thành các nhóm thông tin phù hợp nhu cầu về thời gian tham quan khác nhau của khách bằng ba ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc. Ngoài ra, thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục giới thiệu tới công chúng chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với các chủ đề khác nhau nhằm giúp du khách có thể tiếp cận trưng bày bảo tàng thuận lợi hơn. Khách tham quan trực tuyến có thể đăng ký trên trang Fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH.