Khai thác lợi thế đất sản xuất nông nghiệp

Cùng với phát triển đô thị sinh thái, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất vùng bãi sông Hồng màu mỡ để phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT
Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: BÁ HOẠT

Từ nhiều năm nay, người dân vùng đất bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng đã tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau, củ, quả an toàn. Nhờ kỹ thuật canh tác tốt, nhất là lợi thế đất đai màu mỡ, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và chỉ sử dụng các loại phân bón vi sinh, cho nên các nông sản tại đây có chất lượng cao.

Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Anh Nguyễn Văn Sơn, người dân xã Thọ Xuân cho biết, không ít doanh nghiệp hỏi thuê đất hoặc liên doanh, liên kết với nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng vướng quy hoạch chưa có. Thời hạn thuê đất ngắn, trong khi đầu tư cho nông nghiệp đòi hỏi thời hạn dài, khiến doanh nghiệp nản chí. Một số người dân cũng có ý định đầu tư mở rộng sản xuất cũng gặp nhiều vướng mắc.

Theo đại diện Phòng Kinh tế UBND huyện Đan Phượng, với 15 km sông Hồng chảy qua địa bàn bảy xã, diện tích đất bãi lớn, là điều kiện rất thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp. Quỹ đất lớn, nhưng do chưa có quy hoạch, cho nên sản xuất của nông dân vẫn nhỏ lẻ, nhiều diện tích bỏ trống. Người dân không yên tâm đầu tư sản xuất, còn chính quyền khó quản lý và không khai thác hiệu quả nguồn lợi từ quỹ đất này.

Tại huyện Thanh Trì, ba xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc nổi tiếng với nghề trồng rau, trong đó có nhiều sản phẩm được thành phố công nhận tiêu chuẩn OCOP, nhưng sản xuất của nông dân gặp không ít khó khăn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng do chưa có quy hoạch, cho nên nhiều hạng mục như đường giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp chậm được cải tạo, nâng cấp, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

Trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, có tám khu vực bãi sông Hồng, gồm: Tàm Xá - Xuân Canh, Long Biên - Cự Khối, Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức, Bắc Cầu - Bồ Đề. Để bảo đảm tính thực tiễn và khả thi, cũng như nguồn lực thực hiện, quy hoạch phân khu đề xuất năm bãi sông với khoảng 1.590 ha, gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%. Riêng bãi Tàm Xá - Xuân Canh, khoảng 408 ha được phép xây dựng với tỷ lệ 15%.

Các bãi sông nêu trên được định hướng xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, các khu nhà ở sinh thái chất lượng cao đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng đô thị phục vụ cho dân cư hai bên sông và khu vực nội đô. Khu vực bãi sông còn lại gồm Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề được định hướng phát triển không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, không gian sinh thái nông nghiệp.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 thuộc Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị được giao lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở đa dạng tùy theo đặc điểm về địa hình địa chất và vị trí của các bãi sông để ưu tiên phát triển không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch hoặc xây dựng các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, không gian quảng trường đô thị, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông nội bộ dành cho xe cơ giới, xe đạp và đường đi bộ. Qua đó, nhằm tạo không gian mở kết nối trục không gian cây xanh, mặt nước sông Hồng với không gian phát triển đô thị hai bên sông và không gian xanh trong đô thị trung tâm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chu Phú Mỹ cho biết, về cơ bản các nội dung đồ án đã hoàn thành. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển trong thời gian tới.