Kết quả từ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Cùng với việc nâng cao chất lượng cán bộ đầu vào, những năm qua, TP Hà Nội luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng từ thực tiễn để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Ðại diện Học viện Hành chính quốc gia trao bằng khen tặng các học viên đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: Mai Hiền
Ðại diện Học viện Hành chính quốc gia trao bằng khen tặng các học viên đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: Mai Hiền

Bài  1: Vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn

Không mở “ào ào” để lấy thành tích, các khóa đào tạo cán bộ từ cấp  thành phố đến các quận, huyện, thị xã đều lựa chọn những lĩnh vực cụ thể để bổ sung, nâng cao kiến thức cho cán bộ. Nhờ đó, chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp của Hà Nội không ngừng được nâng lên, giúp chất lượng giải quyết công việc đạt hiệu quả cao.

Ðiều hành, quản lý hiệu quả hơn

Dự án mở rộng đường Vành đai 2 (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng) đến nay đã sắp hoàn thành, dự kiến khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh. Tuy vẫn còn một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến tiến độ bị kéo dài, nhưng không thể không nói đến sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị khi thực hiện tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận. Là người đứng đầu chính quyền phường có nhiều hộ dân nằm trong diện di dời để triển khai dự án, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Ðống Ða) Nguyễn Hoàng Thắng phải xử lý nhiều công việc liên quan đến việc vận dụng các cơ chế, chính sách, rồi giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân chung quanh việc triển khai dự án này. “Có lần nhận được tin một số người dân có ý định tập trung đông người, chuẩn bị kéo nhau đi kiện, lãnh đạo phường cùng chi bộ, tổ dân phố phải xuống gặp gỡ, giải thích, vận động ngay. Sự có mặt kịp thời này đã giúp cho tình hình được kiểm soát”, ông Nguyễn Hoàng Thắng chia sẻ, với những trường hợp khẩn cấp như vậy, Chủ tịch UBND phường phải có mặt để trực tiếp xử lý công việc mới kịp thời, hiệu quả.

Tại phường Phúc La (quận Hà Ðông), những năm qua, bộ mặt đô thị phường có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo những hệ lụy về vệ sinh môi trường khi lượng rác thải, phế liệu xây dựng tăng cao, đổ tràn lan, gây mất cảnh quan đô thị. Trước tình hình ấy, cấp ủy và chính quyền địa phương đã vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Ðức Tiến cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng và lãnh đạo UBND phường thường xuyên kiểm tra tại hiện trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, phường đã xử lý triệt để 10 điểm tồn đọng rác thải, phế thải xây dựng; duy trì 19 mô hình vệ sinh môi trường; thực hiện chỉnh trang, trồng cây, hoa tại bốn khu sinh hoạt cộng đồng; lắp đặt thiết bị tập thể dục, thể thao ngoài trời từ nguồn vốn xã hội hóa tại bốn điểm dân cư, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Chủ tịch UBND phường Khương Thượng Nguyễn Hoàng Thắng và Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Ðức Tiến là hai trong hơn một nghìn người đã tốt nghiệp khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn UBND thành phố Hà Nội. Việc mở các khóa đào tạo này là bước cụ thể hóa Ðề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2315/QÐ-UBND ngày 17-4-2017. Theo đó, có 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ. Chương trình các khóa học được thiết kế thành các hợp phần: Kiến thức lý luận - chính trị; kiến thức về hành chính - chính quyền địa phương; các chuyên đề về định hướng đổi mới; các chuyên đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Tham gia giảng dạy là các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ðại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia và cả các chuyên gia nước ngoài với lượng kiến thức vừa phong phú, đa dạng, vừa chuyên sâu. Chủ tịch UBND phường Khương Thượng Nguyễn Hoàng Thắng cho biết: “Qua lớp học, tôi có thêm nhiều kiến thức, nhất là kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thực tế. Trong chỉ đạo, điều hành, tôi vận dụng triệt để phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), giúp hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.

Lấy thực tiễn làm thước đo

Cán bộ có năng lực, tâm huyết, lại được bồi dưỡng kỹ năng giải quyết những vấn đề, nhất là những vấn đề khó từ thực tiễn sẽ giúp chất lượng  công việc cao hơn. Hiểu rõ vấn đề đó, những năm qua, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội cũng chủ động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ từ quận, huyện tới cấp ủy, chính quyền cơ sở. Tại quận Hai Bà Trưng, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Trần Quyết Thắng cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 88-KH/QU về "Thực hiện Ðề án đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo", trong đó tập trung vào các đối tượng, chức danh cụ thể, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Thí dụ, như lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Ðảng bộ quận gồm 80 đồng chí; lớp dành cho cán bộ nguồn được quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư các phường gồm 89 đồng chí; lớp quy hoạch chức danh trưởng, phó các phòng, ban thuộc quận gồm 116 đồng chí; quy hoạch chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HÐND - UBND các phường gồm 87 đồng chí…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận đã mở 187 lớp bồi dưỡng, đào tạo với hơn 22 nghìn lượt học viên. Ðể đạt hiệu quả, quận lựa chọn thời điểm, nội dung từng lớp học cho phù hợp từng nhóm đối tượng. Hằng năm, Ban Thường vụ Quận ủy đều họp, xem xét yêu cầu thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch và chiêu sinh. Ðơn cử như để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mỗi cán bộ không chỉ nắm vững các cơ chế, chính sách mà còn phải được bồi dưỡng về công tác tuyên truyền, dân vận. Hay về công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, quận tổ chức các lớp cập nhật những kiến thức về tin học cho các cán bộ, công chức.

Các lớp học đều thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Thường trực Quận ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo đề ra quy chế chặt chẽ, trừ trường hợp bất khả kháng, nếu học viên tùy tiện nghỉ một buổi cũng sẽ đưa vào đánh giá cán bộ cuối năm. Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, đối với những đồng chí đang trong diện luân chuyển hoặc quy hoạch, kết quả học tập tại những lớp đào tạo, bồi dưỡng này càng được chú trọng và được lãnh đạo quận theo dõi khá kỹ. Thực tế, không ít học viên đạt loại giỏi khi tốt nghiệp các khóa đào tạo khi vào việc đã là đạt hiệu quả cao. Có những đồng chí viết bài thu hoạch tốt, nêu được đúng, trúng những vấn đề trong thực tiễn và đề ra nhiều giải pháp hiệu quả. Như đồng chí Nguyễn Lê Hoàng (nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng) và đồng chí Nguyễn Ðình Khuyến (nguyên Bí thư Ðảng ủy phường Yên Phụ) đều có những bài viết ấn tượng, thể hiện được năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và đã được đề bạt làm Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Ðỗ Mạnh Hải, kết quả học tập được đánh giá bằng mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo vị trí việc làm đảm nhận. Việc điểm danh, kiểm tra, cấp chứng chỉ trong quá trình đào tạo là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là kết quả thực thi nhiệm vụ sau khi học tập, bồi dưỡng. Ðối với các trường hợp đã được bồi dưỡng nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí đảm nhiệm sẽ tiến hành điều chuyển, luân chuyển, miễn nhiệm. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cũng được đổi mới, nâng cao hiệu quả, đào tạo theo đúng địa chỉ, sát yêu cầu, không trùng lặp nội dung và đối tượng. Có như vậy mới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc.

(Còn nữa)