Kết nối cộng đồng vì một Hà Nội đáng sống

Có một công việc rất khó đánh giá hiệu quả, đó là vận động mọi người nâng cao ý thức và hành động vì một Hà Nội đáng sống.

Anh Lê Quang Bình trong sự kiện khánh thành sân chơi tại tổ 16, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Anh Lê Quang Bình trong sự kiện khánh thành sân chơi tại tổ 16, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhưng Lê Quang Bình đã dấn thân và kiên trì theo đuổi mục đích của mình.

Dù nằm ở quận trung tâm, nhưng người dân tổ 16, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) chịu thiệt thòi hơn các khu vực khác. Khu vực sát sông Hồng bị biến thành điểm đổ rác của cư dân trong khu vực. Nhưng từ cuối tháng 3 năm nay, nơi đây đã trở thành một sân chơi bổ ích. Các đồ chơi vận động dành cho trẻ em, nhiều dụng cụ tập thể dục đã được dựng lên.

Rất nhiều trong số đó được làm từ đồ tái chế như lốp ô-tô, các loại gỗ cũ. Không gian trở nên nổi bật bởi một bức tường tranh rực rỡ, ấn tượng do ông Diego Cortizas (D.Co-ti-dát), người sáng lập thương hiệu thời trang Chula trực tiếp đến vẽ trong nhiều ngày liền. Ngay lập tức, sân chơi thu hút những đứa trẻ nghèo ở xóm ngoài đê này.

Sân chơi công cộng ấy là một trong những sản phẩm mà mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã triển khai cùng với nhóm Think Playgrounds - Nghĩ về sân chơi trong thành phố. Và người đứng sau những thành công ấy là anh Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG).

Lê Quang Bình lớn lên ở Thái Nguyên. Anh gắn bó với Hà Nội từ khi đặt chân đến đây học tập. Trong hơn 20 năm sinh sống ở Thủ đô, anh chứng kiến nhiều đổi thay. Cái tích cực khá nhiều. Nhưng mặt trái cũng không ít. Ðó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, là sự thu hẹp những không gian xanh như công viên, hồ nước...

Những điều đó đã khiến Hà Nội đứng trước nguy cơ trở nên thiếu "thân thiện" với mọi người và Bình mong muốn "làm cái gì đó" cho Hà Nội. Nhưng phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu, một dự án cụ thể, nhỏ lẻ, hay vì một cái gì đó lớn lao, quả là không dễ. Anh nhận thấy Hà Nội đáng mến, đáng yêu, nhưng sẽ thật sự đáng sống nếu giữ được và có thêm những không gian công cộng.

"Chúng ta ai cũng tiếc nuối một không gian công cộng nào đó bị lấn chiếm. Tuy nhiên, chúng ta đưa ra giải pháp, hành động cụ thể để giữ lấy những không gian công cộng quý giá ấy. Vấn đề này lớn, từng cá nhân riêng lẻ không tự làm được, mà phải kết nối cộng đồng. Do đó, năm 2018, chúng tôi lập nên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống", Lê Quang Bình chia sẻ.

Bên cạnh một số dự án cụ thể, thí dụ như sân chơi ở tổ 16, phường Phúc Tân, điều lớn lao hơn mà anh và một số bạn bè lập nên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống hướng đến là truyền tải thông điệp, tạo nên ý thức của cộng đồng vì một Hà Nội "đáng sống", nhất là tham gia đấu tranh bảo vệ, xây dựng những không gian công cộng cho mọi người.

Khi ý thức được nâng lên, mỗi người sẽ làm việc gì đó có ý nghĩa cho thành phố. Nghe qua thì khá "mông lung". Mà thực tế, đó là công việc khó, gồm rất nhiều phần việc phải làm, mà hiệu quả không dễ đánh giá trong ngày một, ngày hai.

Mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống" đã làm một nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ về hàng chục nhà máy, xí nghiệp phải di dời tại Hà Nội. Không phải là một cơ quan nghiên cứu của Nhà nước, cho nên khi tiếp cận các cơ quan, đơn vị, anh và đồng nghiệp gặp không ít ánh mắt dò xét, hoặc thiếu hợp tác.

Một bản báo cáo về thực trạng các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, gồm thông tin về lịch sử, là hiện trạng của những nhà máy ấy, tâm tư của những người dân trong khu vực khi nghĩ về những nhà máy, xí nghiệp sẽ di dời ấy, mong muốn của họ sau khi di dời …

Mục đích của những khảo sát là giúp người dân phải suy nghĩ, ý thức được giá trị không gian công cộng và lên tiếng để chính quyền chú ý hơn đến khả năng chuyển đổi những nhà máy, xí nghiệp cũ thành những không gian hữu ích cho cộng đồng.

Trọng tâm hoạt động của Vì một Hà Nội đáng sống trong giai đoạn này là vấn đề chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp cũ. Do đó, hễ có nhà máy, xí nghiệp cũ nào được chuyển đổi thành không gian sáng tạo, không gian công cộng, anh cũng xuất hiện và xây dựng các chương trình hợp tác. Gần đây, là trình diễn hợp xướng Vì một Hà Nội đáng sống tại Complex 01 (phố Tây Sơn, quận Ðống Ða), vốn được chuyển đổi từ Nhà máy in Công đoàn. "Chúng tôi mong muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng những không gian công cộng mới bằng cách chuyển đổi các nhà máy cũ. Ðây là vấn đề rất khó.

Bởi những nhà máy, xí nghiệp ấy đều thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp. Mình chỉ là người vận động nâng cao ý thức cộng đồng. Nhưng nếu chỉ một, hay một phần những nhà máy, xí nghiệp được chuyển đổi thành không gian công cộng, không gian sáng tạo như chúng tôi đề xuất, thì chúng tôi vẫn coi đó là thành công", Lê Quang Bình cho biết.

Vẫn biết công việc khá "mông lung" và khó đánh giá hiệu quả, nhưng Lê Quang Bình vẫn miệt mài. Ðấy là điều không phải ai cũng dám dấn thân.

DÃ LIÊN