Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nông thôn

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", các cấp Hội phụ nữ thành phố Hà Nội đã chú trọng hỗ trợ, phát huy vai trò của chị em hội viên trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình trồng rau tại Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Ðan Phượng. (Ảnh Ngọc Quỳnh)
Mô hình trồng rau tại Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Ðan Phượng. (Ảnh Ngọc Quỳnh)

Tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xã Ðồng Phú, huyện Chương Mỹ là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ. Từ 5 ha lúa đầu tiên được triển khai năm 2012 với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản), vụ xuân năm 2022, xã Ðồng Phú đã có 55ha trồng lúa hữu cơ, năng suất đạt từ 285kg đến 320kg/sào. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðồng Phú Nguyễn Thị Thủy cho biết: Với những hiệu quả thiết thực từ trồng lúa hữu cơ, được sự vận động của Hội Phụ nữ và các đoàn thể, xã hiện đã có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ. Ðể bảo đảm đầu ra ổn định, Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ðồng Phú đã liên kết với Công ty Bảo Minh tiêu thụ toàn bộ các sản phẩm với giá thu mua lúa là hơn 10.000 đồng/kg. Ðây là hướng đi giúp người nông dân trồng lúa có được thu nhập cao hơn, đầu ra ổn định hơn, thu nhập đạt từ 160 đến 185 triệu/ha/năm, gấp 1,8 đến 2 lần sản xuất thông thường. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đời sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã được nâng cao, giúp chị em yên tâm sản xuất và tham gia tích cực các hoạt động của hội phụ nữ ở địa phương.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ thành phố đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ chị em phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất; tín chấp cho vay vốn từ các chương trình hơn 7.300 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế... Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả như hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Ðan Phượng), Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Ðông Anh). Với sự hỗ trợ của hội phụ nữ, nhiều gia đình hội viên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết như Mô hình gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng; trứng vịt xã Liên Châu tại huyện Thanh Oai. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi lên gấp ba đến bốn lần so với cấy lúa, góp phần nâng cao đời sống của phụ nữ và gia đình.

Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất-nhà phân phối-người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử ‘‘Chợ nhà mình", 141 điểm phân phối thực phẩm sạch có sự tham gia của Hội Phụ nữ đã giúp người tiêu dùng có nhiều hơn cơ hội tiếp cận, sử dụng các sản phẩm chất lượng từ các chuỗi sản xuất an toàn.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Thời gian qua, Hội đã triển khai hiệu quả các hoạt động góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Ðiểm nổi bật là các cấp Hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thay đổi về tư duy, nhận thức về phát triển nông nghiệp; tích cực tham gia xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần hình thành nền kinh tế "xanh", các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện nay, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoạt động của các cấp Hội phụ nữ thành phố cũng đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò của chị em trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ sinh học trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường ■