Hỗ trợ doanh nghiệp FDI lấy lại đà tăng trưởng

Ðể giúp các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chính quyền TP Hà Nội cam kết luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Về phía các doanh nghiệp, cần phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó, chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định.

Quang cảnh hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG ANH
Quang cảnh hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG ANH

Ðợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy phải tạm dừng, hoặc thu hẹp công suất hoạt động. Ðể giúp doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn, các doanh nghiệp FDI đã kiến nghị Chính phủ, thành phố triển khai nhiều giải pháp giãn, giảm thuế để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Công ty TNHH BizConsult đề xuất cho phép doanh nghiệp không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19; giãn thời hạn đóng bảo hiểm và một số chính sách liên quan đến bảo hiểm. Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đề xuất giảm chi phí quản lý cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp FDI tiếp tục đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục, nhất là thủ tục vào làm việc cho các chuyên gia nước ngoài. Ðại diện Bệnh viện Việt Pháp mong muốn có giải pháp cấp phép nhanh hơn để các chuyên gia được vào Việt Nam làm việc, khắc phục tình trạng thiếu chuyên gia cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Ðồng thời, nhanh chóng xử lý, hoàn thiện việc cấp phép để có thể sớm triển khai các dự án đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp quy mô, chất lượng bệnh viện.

Ðại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiến nghị, trong trường hợp nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì cần nới lỏng quy định về điều kiện hoạt động của nhà máy và đi lại của người lao động, cho phép người lao động có chứng nhận đã tiêm phòng vắc-xin từ một mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính được phép đi làm; gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng hai tuần. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi tối thiểu. Ðồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe đã tiêm vắc-xin và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách…

Một số nội dung kiến nghị, đề xuất đã được các ngành chức năng của thành phố Hà Nội giải quyết ngay, như đề xuất điều chỉnh chủ trương của ba dự án: Bệnh viện Phương Ðông của Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Ðông; Dự án B3CC1 của Công ty TNHH JR22 (Hàn Quốc) và Dự án sân golf Sky Lake Resort Club của Công ty TNHH DK ENC (Hàn Quốc). Ðồng thời, thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã giao năm nhóm nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục chủ động khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan. Ðồng thời, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế...; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, vượt khó, chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của thành phố để hoàn thiện thủ tục liên quan đến đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án đã và đang triển khai. Lãnh đạo thành phố cam kết luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng.

Từ đầu năm đến nay, dù thành phố Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố. Vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội chín tháng đầu năm đạt 1,28 tỷ USD. Trong đó, có 256 dự án đăng ký mới với số vốn 144 triệu USD; 93 dự án tăng vốn thêm 686 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD. Ðáng chú ý, từ ngày 21/9/2021 đến nay, thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả thành phố. Thành phố đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Cục Thuế Hà Nội đã gia hạn khoảng 22 nghìn tỷ đồng tiền nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho hơn 31.000 người nộp thuế.