Gỡ khó cho làng nghề

Những ngày này, không khí lao động, sản xuất tại các làng nghề vùng ngoại thành Hà Nội sôi động trở lại. Sau khi được "nới lỏng" các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, người dân nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở vẫn hoạt động cầm chừng do khó khăn về vận chuyển và đơn hàng.

Xưởng sản xuất của doanh nghiệp Gỗ Giang (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) đang từng bước khôi phục sản xuất.
Xưởng sản xuất của doanh nghiệp Gỗ Giang (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) đang từng bước khôi phục sản xuất.

Những ngày này, âm thanh của máy cưa, máy đục, máy bào... đã lại vang lên tại làng nghề mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), cả ở các xưởng trong cụm công nghiệp làng nghề và các xưởng mộc. Cùng với đó, những chiếc xe tải chở nguyên liệu, xuất hàng nhộn nhịp trên những con đường làng. Giám đốc doanh nghiệp Nhà gỗ Phúc Lộc Nguyễn Huy Khiêm cho biết: "Xưởng gỗ của chúng tôi đã "đóng băng" hơn 40 ngày từ cuối tháng 7. Xã Chàng Sơn là "vùng xanh" của huyện Thạch Thất, chúng tôi rất vui khi được phép sản xuất trở lại. Hiện giờ, doanh nghiệp đã huy động được 80% nhân công trở lại làm việc để đáp ứng các đơn hàng". Mỗi doanh nghiệp hay xưởng mộc trở lại hoạt động với mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, các cơ sở đạt khoảng từ 40-50% công suất trở lên.

Tương tự như Chàng Sơn, các làng nghề ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) với tổng số khoảng 1.300 xưởng, cơ sở sản xuất, thu hút 4.500 lao động quay trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Chuyên Mỹ có hai nhóm nghề chính gồm khảm trai và sơn mài. Trong đó, các xưởng, cơ sở sản xuất sơn mài hoạt động sôi nổi hơn nhờ các đơn hàng dành cho xuất khẩu ký kết từ trước đó. Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, Vũ Quốc Thương cho biết: "Ðối với các sản phẩm sơn mài, trong thời gian giãn cách, những hộ có quy mô nhỏ tại gia đình vẫn duy trì sản xuất. Giờ được "nới" giãn cách, sản xuất phát triển mạnh hơn, nhưng chúng tôi yêu cầu thực hiện nghiêm các hoạt động phòng, chống dịch. Những chủ hàng thực hiện đúng yêu cầu chống dịch vẫn được đóng hàng để xuất khẩu. Ngành hàng sơn mài có đủ đơn hàng sản xuất ít nhất từ giờ đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với nhóm sản xuất đồ khảm trai, khảm ốc, đồ gỗ mi-ni... thì nhiều hộ do khó khăn về giao thương, đơn hàng vẫn chưa trở lại sản xuất được".

Hà Nội có 1.350 làng nghề, nằm chủ yếu ở khu vực ngoại thành. Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong kinh tế vùng ngoại thành, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp chống dịch, các huyện ngoại thành nằm trong vùng 2 hoặc vùng 3, chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các quận, huyện đã khẩn trương ban hành kế hoạch, hướng dẫn về công tác chống dịch song song sản xuất ở từng địa bàn. Ngoại trừ một số làng nghề lớn như sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)... vẫn chưa thuộc "vùng xanh" của các huyện, phần lớn làng nghề trên địa bàn các huyện: Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên... đều nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ðặc thù của sản xuất làng nghề là sản xuất quy mô nhỏ, sản xuất tại hộ gia đình chiếm tỷ lệ lớn, hoạt động phụ thuộc vào các đơn hàng nhỏ lẻ. Do dịch Covid-19 xuất hiện trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố, kinh tế người dân bị ảnh hưởng, cho nên nhiều làng nghề chưa thể trở lại trạng thái "bình thường mới". Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, Vũ Quốc Thương cho biết: "Sở dĩ nhiều cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ở Chuyên Mỹ chưa khôi phục được hoạt động là do chưa có đơn hàng mới. Việc có đơn hàng mới hay không phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch bệnh, khả năng phục hồi kinh tế. Do đó, khôi phục sản xuất hay không với một số làng nghề không phải câu chuyện ngày một, ngày hai".

Một đặc điểm khác của khối làng nghề là nhiều hộ sản xuất theo quy mô hộ gia đình và không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. Dù nhiều hộ gia đình phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian giãn cách từ ngày 24/7 đến đầu tháng 9/2021, nhưng rất khó để họ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Giám đốc doanh nghiệp Gỗ Giang (xã Chàng Sơn) cho biết: "Việc khôi phục hoạt động của làng nghề phụ thuộc vào thị trường. Kinh tế khó khăn khiến người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình ở làng nghề, phía trước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận hỗ trợ của doanh nghiệp làng nghề còn phức tạp, gồm cả thủ tục cho người sử dụng lao động lẫn lao động. Do đó, chúng tôi mong muốn giảm nhẹ thủ tục, để mọi người dễ tiếp cận. Chính quyền nên có những khoản vay ưu đãi để các cơ sở sản xuất làng nghề có thể từng bước khôi phục sản xuất" ■ 

GIANG NAM