Giúp công nhân “an cư, lạc nghiệp”

Nhà ở cho công nhân, lao động luôn là vấn đề bức thiết trong nhiều năm qua. Vì thế, Chương trình phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra yêu cầu chú trọng nhà ở cho công nhân, người lao động.

Khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thành phố Hà Nội vừa lấy ý kiến phản biện đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Theo dự thảo Chương trình phát triển nhà ở, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2/người, trong đó, khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 32m2 sàn/người, trong đó, khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người… Đặc biệt, trong Chương trình phát triển nhà ở của thành phố lần này có đặt ra yêu cầu chú trọng nhà ở cho công nhân, người lao động; điều chỉnh cục bộ lại các khu công nghiệp để dành quỹ đất thích hợp xây dựng nhà cho công nhân thuê.

Điều này thể hiện quyết tâm đưa Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ vào thực tiễn. Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương sớm xây dựng và triển khai giải pháp lành mạnh hóa thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, khu nhà ở cho người lao động chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động.

Khi dịch bùng phát nghiêm trọng tại một số tỉnh phía nam vào quý II năm 2021 đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp cấp thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế, đang được xã hội quan tâm.

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với hơn 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm hơn 60%). Tuy nhiên, hiện nay mới có ba khu công nghiệp: Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, vấn đề nhà ở cho công nhân đang là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Bởi việc phát triển thiết chế công đoàn gồm tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất hoặc vướng mắc nhiều thủ tục. Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.

Vì vậy, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. "Đối với Hà Nội, trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 có đặt ra yêu cầu chú trọng nhà ở cho công nhân; điều chỉnh cục bộ lại các khu công nghiệp để dành quỹ đất thích hợp xây dựng nhà cho công nhân thuê. Đây là một ưu điểm nhưng theo tôi vẫn cần tăng cường thêm ưu đãi về nguồn vốn; đặc biệt cần huy động vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp", TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030,các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh việc đánh giá hiện trạng các loại nhà ở hiện nay để có cái nhìn rõ nhất về bức tranh phát triển nhà ở; làm rõ, bổ sung các thông tin số liệu cần thiết về các nhóm đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội... để đề xuất phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý. PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng, cần xem xét đến các đối tượng là lao động tự do, vãng lai từ các tỉnh về Hà Nội kiếm sống. Vì hiện tại, số lao động này có nhu cầu thuê nhà trọ khá đông, nhất là khi dự báo về nhu cầu nhà ở của thành phố có thể gia tăng sau khi vùng Thủ đô được mở ra, các tuyến đường vành đai được kết nối.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, kỳ vọng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 sẽ góp phần bình ổn thị trường bất động sản, giúp người dân nói chung, công nhân lao động nói riêng có điều kiện sống trong môi trường tốt hơn.