Giải bài toán sân chơi cho trẻ em

Mỗi dịp hè về, tình trạng thiếu điểm vui chơi cho trẻ luôn là vấn đề khiến các gia đình sống tại các đô thị phải đau đầu. Sau hai năm tạm lắng do ảnh hưởng dịch Covid-19, giờ đây, vấn đề này lại trở nên bức thiết.

Nhiều sân chơi cho trẻ ở Hà Nội còn thiếu các thiết bị vui chơi.
Nhiều sân chơi cho trẻ ở Hà Nội còn thiếu các thiết bị vui chơi.

Vừa kết thúc năm học, chị Nguyễn Thị Loan, sống tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình đã đưa hai con về quê ngoại tại Phú Thọ. “Công việc của tôi không bận rộn lắm, nhưng không gian sống nhỏ hẹp, không có điểm vui chơi, các con quanh quẩn trong khu tập thể và xem ti-vi suốt ngày. Vì thế, vợ chồng tôi quyết định cho con về quê với ông bà một tháng, giúp con có trải nghiệm nghỉ hè nơi đồng quê, rồi mới đón về Hà Nội để bắt đầu tham gia các lớp học thêm” - Chị Loan cho biết.

Cũng như chị Loan, anh Vũ Đức Đương ở Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm đã có kế hoạch đưa cậu con trai 8 tuổi về quê nội tại Thanh Hóa ngay khi vừa nghỉ hè. Thế nhưng cậu con trai lại không “ủng hộ” khiến hai vợ chồng anh không khỏi lo ngại. “Công việc của vợ chồng tôi khá bận, các điểm vui chơi quanh khu vực thì rất ít, cho nên thi thoảng mới có thể đưa con đi bơi, đi xem phim, còn phần lớn thời gian con chỉ làm bạn với ti-vi, điện thoại ”- anh Đương thở dài.

Nỗi lo của anh Đương, chị Loan cũng là nỗi lo của nhiều gia đình đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội - một đô thị có mật độ dân cư đông nhất cả nước nhưng mới có 200 điểm vui chơi. Số sân chơi hiện có chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu và sức hút chưa cao. Các khu vui chơi mang tính thương mại tuy phong phú về trò chơi, nhưng thu phí khá cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em đến.

Còn tại các khu vui chơi công cộng hay sân chơi trong khu dân cư, các trang thiết bị lại nghèo nàn, kém hấp dẫn, thậm chí hư hỏng mà chưa được thay mới. Nhiều sân chơi cho trẻ tại khu tập thể cũ như Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), Phương Mai (quận Đống Đa), Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm)..., bị lấn chiếm để làm nơi trông giữ xe, bán hàng quán... Tại nội thành đã vậy, ở ngoại thành càng khó tìm thấy sân chơi đúng nghĩa dành riêng cho trẻ em.

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội cùng với người dân tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em, bắt đầu từ việc nhỏ nhất như thay mới, lắp đặt trang thiết bị vui chơi. Điển hình như tại quận Thanh Xuân, hiện có 62 công trình công viên, vườn hoa, sân chơi trẻ em. Có nhiều sân chơi được hình thành kết hợp với xây dựng mới nhà hội họp khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hóa...

Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chỉ tính riêng khu B và khu C đã có tới năm sân chơi cho trẻ nhỏ. Hầu hết hệ thống thiết bị vui chơi được cấp mới hoặc tái sử dụng các vật liệu như lốp ô-tô, chai nhựa, ván gỗ cũ... Hay như quận Đống Đa, mặc dù rất khó khăn về quỹ đất nhưng những năm gần đây, mỗi năm quận đã đầu tư, cải tạo khoảng 20 sân chơi. Tuy vậy, thiết kế của nhiều sân chơi hiện không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm trẻ. Số lượng sân chơi vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Trưởng ban Giám sát, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho biết, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do thiếu sự quan tâm đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, nơi nào được quan tâm thì trẻ em có sân chơi, trang, thiết bị được quản lý; trẻ em được giám sát và bảo vệ; còn những nơi không được quan tâm thì sân chơi chỉ là hình thức. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn kinh phí còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở còn thiếu và hạn chế do phải kiêm nhiệm nhiều công việc…

Để xây dựng và mở rộng mô hình sân chơi công cộng cho thiếu nhi, bà Lê Thị Hoàng Yến cho rằng, từ Trung ương tới địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, riêng Đoàn Thanh niên cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phát huy vai trò là người đại diện tiếng nói của trẻ em, tạo hiệu quả trong việc quản lý đoàn viên, thanh niên ở cơ sở và phụ trách thiếu nhi trong các kỳ sinh hoạt hè. “Việc huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, tài trợ cho các sân chơi trẻ em là vô cùng cần thiết để bảo đảm mọi trẻ em đều được vui chơi giải trí, đều được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, bà Lê Thị Hoàng Yến nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như của người dân. Chỉ có nhận thức đúng đắn và sự đồng lòng của cả cộng đồng thì mới mong giải quyết tận gốc nỗi lo không có chỗ chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè.