Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ

Ngày 16/9, đoàn tàu thứ mười của dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội - đoàn tàu cuối cùng của dự án, đã về đến Việt Nam. Tuy đã nỗ lực đạt được bước tiến dài, nhưng những khó khăn cả về giải phóng mặt bằng và điều kiện thi công vẫn khiến dự án đang chậm tiến độ, không thể hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021.
 

Chạy thử nghiệm liên động các đoàn tàu dọc tuyến đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội.
Chạy thử nghiệm liên động các đoàn tàu dọc tuyến đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội.

Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự tăng cường phối hợp của các sở, ngành và địa phương liên quan, tiến độ dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực.Trong tám tháng đầu năm 2021, dù trong bối cảnh dịch Covid-19, MRB cùng các nhà thầu vẫn triển khai thực hiện dự án và đạt được những kết quả khả quan, tiến độ chung dự án đạt được 74% kế hoạch; tiến độ đoạn trên cao đạt 89,41% kế hoạch.

Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều phần việc cần được giải quyết để bảo đảm tiến độ chung. Thí dụ như tại hạng mục ga ngầm S9 (trên phố Kim Mã, quận Ba Đình) hiện còn hai hộ dân chưa chấp hành quyết định thu hồi đất do vướng thủ tục chia di sản thừa kế hoặc chủ sử dụng đất đang sinh sống ở nước ngoài. Bên cạnh đó, có vị trí dù đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm bàn giao, gây ảnh hưởng toàn diện đến tiến độ của cả dự án, nhất là đoạn tuyến trên cao. Như khu vực móng cầu thang số 4 của ga S7 đã được giải quyết dứt điểm và bàn giao mặt bằng vào ngày 10/4, chậm hơn so với kế hoạch tám tháng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công và phải kéo dài hợp đồng của các gói thầu CP02 (Các ga trên cao) và CP07 (Hệ thống đường ray) đến tháng 12/2021.

Lãnh đạo MRB cho hay, đến nay, các khiếu nại của nhà thầu xuất phát chủ yếu do nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng, có vị trí chậm đến sáu năm. Nhà thầu đã nhiều lần đưa ra yêu cầu bồi thường bằng tiền; đồng thời đề nghị được điều chỉnh thời gian thi công.

Còn theo thông tin từ các nhà thầu, số tiền bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, ảnh hưởng tới dòng vốn lên đến hàng chục triệu USD. Nhà thầu cũng đã có văn bản gửi chủ đầu tư, UBND thành phố Hà Nội, các nhà tài trợ và Đại sứ quán Hàn Quốc, Italia... đề nghị chấp thuận thanh toán khoản bồi thường này và đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6/2021 để gây sức ép với chủ đầu tư.

Những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 còn làm gián đoạn quá trình triển khai thi công dự án. Phó Trưởng ban MRB Lê Trung Hiếu cho biết, việc hạn chế đi lại giữa các địa phương làm cho việc huy động công nhân, trang bị máy móc của nhà thầu khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài về công trường chậm hơn nhiều so với kế hoạch. Việc huy động chuyên gia nước ngoài cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Đối với công tác phòng, chống dịch, MRB đã ban hành các văn bản yêu cầu các nhà thầu, tư vấn nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, lập Tổ An toàn Covid-19 và đường dây nóng ngay tại công trường. Những công việc bắt buộc làm trực tiếp tại hiện trường thì huy động lao động làm luân phiên hoặc bố trí theo ca để giảm số người có mặt tại nơi làm việc, quản lý nhân sự cấp giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích, thực hiện nghiêm nguyên tắc “Một cung đường, hai điểm đến”; triển khai giờ làm việc linh hoạt để giúp người lao động tránh những ngày giao thông đông đúc và giờ đi lại cao điểm; thực hiện khai báo bằng mã QR bảo đảm nhanh, chính xác, dễ thống kê, bố trí phòng cách ly tạm thời khi cần thiết...

Người lao động khi vào công trường và địa điểm làm việc đều nghiêm túc tuân thủ thực hiện Thông điệp 5K trong suốt quá trình làm việc; giãn cách tối thiểu 2 m; không đến làm việc khi có một trong các triệu chứng như: mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… và người thuộc đối tượng F1, F2; luôn sẵn sàng kích hoạt hệ thống ứng phó trong mọi tình huống. “Các đơn vị liên quan đã và đang tiếp tục nỗ lực cao nhất để thi công các gói thầu trong điều kiện vừa làm vừa chống dịch, tuy vậy, khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021”, ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa triển khai dự án trọng điểm này của thành phố, đại diện MRB đề nghị thành phố sớm ban hành cơ chế đặc thù và kinh phí đi kèm đối với công tác phòng, chống dịch của dự án. Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan liên quan hỗ trợ tạo điều kiện để MRB có thể huy động chuyên gia nước ngoài, xe chuyên chở, cung ứng về thiết bị, vật tư, vật liệu phục vụ thi công từ nước ngoài, từ các tỉnh khác đến công trường thuận lợi, bảo đảm tiến độ của dự án ■