Dự án dang dở vì vướng mắc giải phóng mặt bằng

Trong khi hạ tầng giao thông đang ngày càng quá tải thì có những dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành, dù chỉ còn vướng mắc nhỏ trong giải phóng mặt bằng. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: HỒNG THÁI
Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: HỒNG THÁI

Dự án ì ạch vì giải phóng mặt bằng

Dự án cải tạo, mở rộng phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2017, khởi công vào năm 2018, dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay vẫn là công trường ngổn ngang. Dự án thu hồi 9.283 m2 đất của 80 hộ dân và 11 tổ chức. Tháng 6/2020, 77 hộ gia đình, cá nhân và 11 tổ chức đã bàn giao mặt bằng để phục vụ công tác phá dỡ. Chỉ còn lại ba hộ dân tại các số nhà: 71, 73, 75 Vũ Trọng Phụng (tổng diện tích khoảng 96m2) chưa bàn giao mặt bằng, do chưa thỏa thuận được phương án bồi thường, hỗ trợ. 

Theo đại diện UBND quận Thanh Xuân, phần đất của các hộ dân nói trên nằm ở cả lòng đường lẫn vỉa hè theo thiết kế mở rộng đường phố mới. Do vướng chỗ này nên không thể hạ ngầm hệ thống cáp điện, cáp viễn thông, đấu nối cấp, thoát nước trong phạm vi dự án, buộc phải tạm dừng thi công một thời gian. Vướng mắc ở chỗ, diện tích đất còn phải giải phóng mặt bằng nằm trong chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vũ Trọng Phụng, nhưng lại thuộc diện tích đất được UBND thành phố Hà Nội giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại số 69 Vũ Trọng Phụng. Vì vậy, trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về doanh nghiệp này. Đến nay, dù dự án tòa nhà số 69 Vũ Trọng Phụng đã hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng phần giải phóng mặt bằng với ba hộ này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cho tuyến đường vẫn ngổn ngang, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Tương tự, dự án đường nối vành đai 2 và vành đai 3, từ cầu Nhật Tân đến cầu Thăng Long dài 2,8 km đi qua địa bàn các phường Phú Thượng (Tây Hồ) và Đông Ngạc (Bắc từ Liêm) được triển khai từ năm 2014, đến nay vẫn bế tắc do vướng giải phóng mặt bằng 18 hộ dân thuộc Khu tập thể Công ty lắp máy Inco (trước đây là Khu tập thể hóa chất), trên địa bàn phường Phú Thượng. Chỉ còn khoảng 50 m còn vướng mắc mà dự án phải “nằm chờ” suốt bảy năm qua, còn người dân trong phạm vi dự án phải sống cảnh lụp xụp, không dám sửa chữa nhà cửa.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã lên kế hoạch và yêu cầu phòng, ban chuyên trách từ nay đến cuối năm 2021 phải hoàn thiện giải phóng mặt bằng cho dự án, phần chi phí bồi thường sẽ do Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long chi trả. Đối với 18 hộ dân trong khu tập thể đã sống tại đây từ năm 1987, thành phố đã bố trí tái định cư bằng nhà ở xã hội. UBND quận đã có văn bản báo cáo UBND thành phố để áp dụng cho người dân được mua nhà theo quy định. Tuy nhiên, một số hộ gia đình cho biết, không đủ khả năng mua nhà tái định cư vì mức bồi thường, hỗ trợ còn thấp. Với những trường hợp không đủ điều kiện kinh tế, UBND quận sẽ thực hiện theo phương án thuê mua, người dân trả từng phần và thuê phần còn lại diện tích căn hộ cho tới khi đáp ứng khả năng về tài chính.

Để người dân đồng thuận

Một dự án khác thậm chí còn chậm hơn là dự án đường vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A. Theo Quyết định số 1555/QĐ-UBND ngày 6/4/2010 của UBND thành phố Hà Nội, Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A) dài khoảng 2 km, diện tích thu hồi 67.125 m2 đất tại hai phường Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) và phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); kết nối với đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), và thông ra vành đai 3, đoạn Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi. 

Quan trọng là như vậy, nhưng dự án triển khai giải phóng mặt bằng cũng rất trầy trật, nhiều người dân trong khu vực rất bức xúc do công trình chậm tiến độ, đường sá sụt lún, nhiều nơi biến thành điểm tập kết rác, mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 2,5 gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân (việc thay đổi từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai năm 2013; việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của người dân; một số hộ dân chưa đồng tình...). Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án mới gần hoàn thiện, khi 19 hộ còn lại trên địa bàn phường Thịnh Liệt, mới đồng thuận bàn giao mặt bằng. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản đề xuất UBND thành phố xem xét mức hỗ trợ  và tái định cư với từng trường hợp cụ thể căn cứ trên các yếu tố: Thời điểm chuyển đổi, diện tích… Đây cũng chính là kinh nghiệm quan trọng để các cấp, các ngành của thành phố cần đẩy mạnh thực hiện để tháo gỡ “nút thắt” về giải phóng mặt bằng khi linh hoạt kết hợp vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động cùng các phương án giải quyết bảo đảm quyền lợi cho người dân trong diện phải thu hồi đất. Có như vậy, các dự án giao thông của thành phố mới được triển khai đúng tiến độ, tạo thêm lực đẩy để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.