Động lực mới cho du lịch Thủ đô

Dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của ngành du lịch Thủ đô “đóng băng” suốt hai năm qua. Nhưng ngành du lịch đã chuyển mình, khai thác thế mạnh du lịch văn hóa một cách có chiều sâu, tăng tốc khai thác du lịch đêm, đổi mới các phương thức quảng bá, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Những biện pháp ấy tạo động lực mới giúp du lịch Thủ đô hồi phục mạnh mẽ.

Biểu diễn múa cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.
Biểu diễn múa cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.

Bài 1: Tạo chiều sâu cho những trải nghiệm

Du lịch văn hóa vốn là thế mạnh của Hà Nội. Nhưng lâu nay, du khách đến Thủ đô chủ yếu là tham quan, chiêm bái các di tích, di sản. Trước yêu cầu đổi mới, các điểm đến đã cho ra đời những sản phẩm mới, dẫn dắt khách du lịch vào những câu chuyện văn hóa.

Vẫn những di tích, di sản như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, làng gốm Bát Tràng… nhưng bây giờ, du khách luôn muốn nán lại lâu hơn, do những trải nghiệm đặc biệt mà các sản phẩm du lịch mới đem lại.

Sức hút từ trải nghiệm mới

Tối cuối tuần, anh Nguyễn Hồng Vinh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cùng gia đình tham gia tua “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Hành trình khám phá Hoàng thành cổ xưa bắt đầu từ Đoan Môn. Anh Vinh cùng những vị khách được đón tiếp bởi những “cung nữ”, “thị vệ hoàng cung”. Một vũ điệu cung đình được trình diễn trên sân khấu chính là hố khai quật khảo cổ trên trục thần đạo. Hà Nội mang trong mình chiều sâu văn hóa. Và sự lắng đọng thể hiện rõ nét hơn, khi ngắm những rêu phong thành cổ, những hố khai quật mang dấu tích những vương triều, uống nước từ giếng cổ thời Trần… trong đèn nến lung linh. Vốn là một người làm trong lĩnh vực văn hóa, anh Vinh vẫn ngạc nhiên: “Đây không chỉ là một chuyến tham quan thông thường. Những câu chuyện bí ẩn được giới thiệu một cách sinh động kích thích mọi người tìm hiểu về văn hóa Việt, về các vương triều, dù là khách quốc tế hay Việt Nam”.

Sau hai tháng triển khai, có những hôm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phải dừng nhận khách để bảo đảm chất lượng phục vụ. Trưởng phòng Hướng dẫn-Thuyết minh Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Có hôm trời mưa to, các vị khách mặc áo mưa, cầm ô cùng chúng tôi đi hết cả hành trình 90 phút khám phá. Điều đó cho chúng tôi động lực để hoàn thiện sản phẩm du lịch mới này”.

Di tích đền Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm) trước đây hầu như chỉ đón khách vào dịp lễ hội, thì bây giờ hàng loạt tua du lịch được tổ chức bởi Hợp tác xã Du lịch Hội Gióng Phù Đổng: Tua du lịch đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, khu sinh thái Green Park; tua du lịch một ngày khám phá quê hương Thánh Gióng... Khách còn có thể chọn các tua liên kết giữa Phù Đổng với những di sản khác như: Đền thờ Ỷ Lan, chùa Non Nước, Việt phủ Thành Chương... Phù Đổng còn khai thác một số trích đoạn trong Hội Gióng để biểu diễn phục vụ khách du lịch. Làng cổ Bát Tràng cũng “làm mới” bằng các trải nghiệm trong tua “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”. Khách sẽ đạp xe từ phố cổ sang làng cổ, khám phá những con ngõ rêu phong, nghề làm gốm. Đặc biệt, du khách còn được chia đội tham gia trò chơi tìm hiểu các di tích. Chị Nguyễn Thu Hiền (phố Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Với nhiều người, Bát Tràng không có gì xa lạ. Nhưng việc đạp xe, rồi đi trong những con ngõ nhỏ, tham gia các trò chơi là điều rất thú vị”.

Kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng

Hà Nội cùng cả nước bước vào năm 2022 với nhiều thách thức do dịch Covid-19. Ngày 10/2, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Kế hoạch đề ra mục tiêu, giải pháp và lộ trình mở cửa du lịch. Đến giữa tháng 2/2022, các di tích và một số dịch vụ mới được phép mở cửa đón khách. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 15/3, tất cả các hoạt động du lịch trên địa bàn mới được khôi phục hoàn toàn.

Là một đô thị lớn, với mật độ dân số cao, luôn đối diện với nguy cơ dịch bệnh lây lan, Hà Nội mở cửa du lịch theo phương châm “mở đến đâu, chắc đến đấy”. Từ trước đó, ngành du lịch “âm thầm” chuẩn bị cho quá trình trở lại bằng cách bồi dưỡng nhân lực, chuẩn bị cho các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ… Ngoài các lớp bồi dưỡng nhân lực của Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tập huấn, đào tạo. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, đơn vị đã đào tạo trực tuyến cho gần 60 cán bộ, người lao động về kỹ năng tiếp cận, quảng bá, xây dựng sản phẩm và xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm Covid-19…

Đối với sản phẩm, các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng thế mạnh du lịch văn hóa, đổi mới bằng đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, đưa khách đến với di tích bằng những câu chuyện văn hóa. Do đó, ngành du lịch có thể “bung hàng” ngay khi du lịch được phép hoạt động. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Trong giai đoạn đầu mở cửa, yêu cầu phòng dịch, an toàn cho khách được đề cao, Sở Du lịch tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty, cơ sở du lịch. Khi có sản phẩm rồi, Sở tích cực triển khai quảng bá, giới thiệu một Hà Nội an toàn, mến khách, hấp dẫn theo chủ đề “Hà Nội đến để yêu”.

Chuỗi hoạt động quảng bá du lịch bắt đầu bằng sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi” với điểm nhấn là sản phẩm Lễ hội Khinh khí cầu. Tiếp đó là các sự kiện: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022, tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022, Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội… Chiến dịch truyền thông này đã đưa thông tin về những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, an toàn đến công chúng. Thành phố tận dụng SEA Games 31 như một đòn bẩy để thu hút du lịch, quảng bá những nét đặc sắc của du lịch Thủ đô đến bạn bè quốc tế.

Dù mới chỉ mở cửa trở lại từ cuối quý I, nhưng sáu tháng đầu năm 2022, thành phố đã đón 8,6 triệu lượt khách, tăng gấp ba so với cùng kỳ năm 2021. Con số này tiệm cận với mục tiêu đón từ 9 đến 10 triệu khách du lịch trong năm 2022. Đây là những kết quả quan trọng để thành phố chinh phục những mục tiêu mới, nhất là khi bước sang mùa thu, mùa cao điểm của du lịch Hà Nội.

(Còn nữa)