Đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo (GD-ĐT) là “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT; Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý...”. Trong đó, việc đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học được chú trọng để nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Các em học sinh Trường tiểu học Nghĩa Tân trong giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: THU HÀ
Các em học sinh Trường tiểu học Nghĩa Tân trong giờ đọc sách tại thư viện. Ảnh: THU HÀ

Tại Hội thảo khoa học về “Quản lý dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, vấn đề và giải pháp” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, cần phải thay đổi ngay phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng chú trọng năng lực của người học, nhất là tư duy sáng tạo, vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Dung (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, hiện nay phương pháp kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường còn đơn điệu, thiếu tính đa dạng, chủ yếu thực hiện đánh giá bằng các bài viết dạng tự luận, trắc nghiệm khách quan, vấn đáp,... gây nên sự nhàm chán trong học tập, không phát huy cao nhất năng lực của người học. Bệnh thành tích trong giáo dục cũng dẫn đến việc đánh giá không đúng thực chất, chạy theo điểm số, chạy theo thành tích, làm méo mó hoạt động dạy và học. Tiến sĩ Kim Dung đề xuất, để thực hiện tốt mục tiêu đề ra của đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, cần tập trung nâng cao nhận thức, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý về đổi mới cách kiểm tra, đánh giá kết hợp với đổi mới phương pháp dạy - học; thiết kế lại chương trình đào tạo, chú trọng mục tiêu hình thành năng lực cho người học, không quá chú trọng vào mục tiêu kiến thức.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Hà Thế Truyền (Học viện Quản lý giáo dục) cũng nhận định, để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh (HS) phổ thông, cần phải vận dụng dạy học theo tình huống, dạy HS định hướng hành động, tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng phải chú trọng năng lực của người học, nhất là tư duy sáng tạo, vận dụng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, sau năm 2015, nhà trường phổ thông cần thay đổi theo hướng quan tâm phát triển năng lực cá nhân, lấy HS làm trung tâm và việc đánh giá chỉ nhằm định hướng cho người học phương pháp và con đường tiếp tục học tập.

Ngoài việc đổi mới kiểm tra, đánh giá các vấn đề để nâng cao chất lượng GD-ĐT, trong đó việc dạy học phải xác định được năng lực của người học cũng được các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục khẳng định là khâu tiên quyết để xác định nội dung, phương pháp giáo dục trước yêu cầu đổi mới hiện nay.

Theo Thạc sĩ Lương Ngọc Bình (Học viện Quản lý giáo dục), dạy học theo phương pháp tiếp cận năng lực là phương pháp dạy học nhắm trúng vào năng lực của người học để thiết kế chương trình. “Muốn dạy học theo phương pháp tiếp cận năng lực đạt hiệu quả mong muốn thì khâu xác định sở thích và năng lực người học là quan trọng hàng đầu, nhưng chỉ dựa vào sở thích của người học thì đúng, nhưng chưa đủ. Để quyết định thành công, yếu tố có tính quyết định ở đây là năng lực người học. Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung. Chương trình và nội dung giáo dục được xác định là chuẩn mực, không được phép xê dịch. Khi học họ không biết học để làm gì, khi làm không hiểu tại sao phải làm,... Thạc sĩ Bình khẳng định, chính do sự nghiêm túc thái quá vô hình trung là nguyên nhân sâu xa của sự thụ động không dám sáng tạo, không dám vượt qua những yếu tố chuẩn mực truyền thống, mặc dù những yếu tố đó đã lạc hậu, bất cập.

Phần lớn các đại biểu đều chung nhận định, việc dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học được xem là chìa khóa để đổi mới giáo dục. Và để thực hiện, đổi mới nội dung này thì giải pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực cần phải xác định chính xác ngưỡng nhận thức năng lực phù hợp của người học. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại mục tiêu, thiết kế xây dựng lại nội dung cho từng cấp, bậc và ngành học; bổ sung điều kiện quan trọng khác như giáo trình, sách giáo khoa,... Đây là yếu tố quan trọng, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.