Điều chỉnh quy hoạch hướng tới phát triển bền vững

Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, một số mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch chưa đạt yêu cầu và tiến độ đề ra.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (năm 2011).
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (năm 2011).

Sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Hà Nội trở thành đô thị có diện tích lớn, tài nguyên đất đai dồi dào; đồng thời đứng trước nhiều thách thức trong công tác phát triển, quản lý đô thị. Thành phố đã cùng các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch chung) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với định hướng xây dựng Thủ đô thành phố xanh, văn hiến, văn minh hiện đại.

Đột phá trong định hướng phát triển Thủ đô

Thực hiện quy hoạch chung năm 2011, thành phố đã xây dựng gần 150 quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý..., tạo tiền đề quan trọng cho công tác đầu tư xây dựng, đến nay đã thực hiện được 96% số lượng công việc. Nhờ đó, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi, đã hình thành một số khu đô thị lớn, đồng bộ, từ kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, quy hoạch xã nông thôn mới sớm hoàn thành đã tạo thuận lợi để các địa phương đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Anh Nguyễn Văn Nam, người dân sinh sống tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì cho biết: “Quy hoạch nông thôn mới được phê duyệt đã “mở đường” cho việc dồn đổi đất sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển vùng sản xuất tập trung, gắn với đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi. Thu nhập của người dân ngày càng tăng”. Cùng với đó, trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư, mở rộng.Từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, chỉ sau thời gian ngắn, năm 2014, xã Đại Áng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, chính quyền và người dân tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng đô thị, phấn đấu phát triển thành quận vào năm 2023.

Đánh giá kết quả sau mười năm thực hiện quy hoạch chung, theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch chung đã tạo đột phá định hướng phát triển Thủ đô. Nhiều vấn đề được nghiên cứu rất thận trọng, kỹ lưỡng, như cấu trúc, mô hình phát triển không gian đô thị vừa kế thừa truyền thống, vừa hiện đại, bền vững; các giải pháp để phát triển, nâng cấp hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mô hình kinh tế cho đô thị hóa, hài hòa giữa đô thị và nông thôn mới.

Điều chỉnh để triển khai quy hoạch hiệu quả hơn

Bên cạnh kết quả đạt được, quy hoạch chung cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Đó là, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đạt kế hoạch. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chậm trễ. Việc di dời một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô, xử lý úng ngập, ùn tắc giao thông còn nhiều thách thức.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, quy hoạch chung chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và sự chia sẻ, hỗ trợ phát triển lẫn nhau của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô. Quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu vực đô thị trung tâm và giãn dân nội đô gặp nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển, tính đồng bộ chưa cao. Tiến độ đầu tư kết cấu giao thông còn chậm.

Mới đây, tại hội thảo Rà soát, đánh giá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và định hướng nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố và ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao nhiệm vụ UBND thành phố tổ chức lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung với ba nhiệm vụ cơ bản: Rà soát, đánh giá điều chỉnh quy hoạch chung; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung. Đây là khối lượng công việc lớn, trong khi việc triển khai còn tồn đọng các đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống. Vì vậy, thành phố rất trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, hội nghề nghiệp để việc điều chỉnh quy hoạch chung đạt chất lượng, hiệu quả, sớm hoàn thành đưa vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý, phát triển Thủ đô.