Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Điểm sáng của kinh tế Thủ đô

Dù chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội vẫn đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và thành phố trong khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse, Khu công nghiệp Ngọc Liệp (Quốc Oai). Ảnh: ĐĂNG ANH
Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse, Khu công nghiệp Ngọc Liệp (Quốc Oai). Ảnh: ĐĂNG ANH

Ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có phương án khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, nỗ lực duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng. Đồng thời, chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Đoàn Thanh, Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, công ty đã và đang thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn dịch xâm nhập vào công ty. Đây là yếu tố sống còn hiện nay để duy trì sản xuất, thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu. Nhờ đó, sáu tháng đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu của đơn vị tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm chiếu sáng led và phích nước của đơn vị xuất khẩu tới gần 20 quốc gia, trong đó nhiều thị trường mới ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Bắc Á… tăng trưởng mạnh. Để khắc phục khó khăn do yêu cầu giãn cách bởi dịch Covid-19, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong điều hành xuất khẩu, nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại quốc tế. Đồng thời, tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại.

Cũng trong nửa đầu năm 2021, doanh thu xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chính của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuộc Tập đoàn BRG, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn cho biết, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy…, Hapro cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên kết nối thông tin với các doanh nghiệp nước ngoài, đại sứ quán, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại các nước để nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường, từ đó lựa chọn đúng mặt hàng xuất khẩu. Đơn vị cũng chủ động tạo nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... 

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội nửa đầu năm 2021 tăng khá một phần là nhờ thành phố tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, thị trường xuất khẩu lớn như các nước châu Âu, Hoa Kỳ… đang dỡ bỏ dần biện pháp phong tỏa, nền kinh tế hồi phục, nhu cầu hàng hóa đang tăng trở lại. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Hà Nội.
 
Tuy nhiên, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục là nguy cơ  tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Do đó, rất cần bảo vệ các xưởng sản xuất, khu, cụm công nghiệp. UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, mới đây nhất là Phương án số 162/PA-UBND ngày 12/7/2021. Về phía các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất, cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội từ bối cảnh mới.

Ngành công thương Hà Nội sẽ thường xuyên cập nhật tình hình thị trường ngoài nước, theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và chính sách ứng phó của các quốc gia để có biện pháp thích hợp trong việc tìm kiếm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp các đơn vị của Bộ Công thương phổ biến các hiệp định thương mại tự do đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tăng cường xuất khẩu. Đơn cử như phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), các công ty thương mại điện tử toàn cầu đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử. “Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển sản xuất để tạo ra nguồn hàng ổn định, bảo đảm chất lượng; tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kịp thời phát hiện và có biện pháp giúp doanh nghiệp đối phó với rào cản kỹ thuật thương mại… Bằng các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, góp phần giúp Thủ đô thực hiện tốt “mục tiêu” kép - Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Hà Nội đều tăng như:

Hoa Kỳ (ước đạt 1.462 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 19,4%); khu vực Đông Nam Á (ước đạt 1.340 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,7%, tăng 9,6%); Liên hiệp châu Âu (EU) (ước đạt 813 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,3%, tăng 5,9%); Trung Quốc (ước đạt 776 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,8%, tăng 2,6%)…

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của thành phố đã tăng trưởng trở lại như:

Điện thoại và linh kiện đạt 177 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020; giày dép đạt 176 triệu USD, tăng 47,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 313 triệu USD, tăng 22,3%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 199 triệu USD, tăng 21,9%...