Đền Voi Phục-Tây trấn Thăng Long

Tọa lạc trên một gò đất gọi là Long Thủ, với cây cao bóng cả che mát quanh năm, đền Voi Phục là một trong những danh thắng nổi tiếng của Hà Nội. Ngôi đền thờ Linh Lang đại vương và là một trong Tứ trấn Thăng Long.

Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).
Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).

Từ trung tâm thành phố đi đến cuối đường Kim Mã, người ta sẽ thấy một vùng đất tập trung nhiều cổ thụ quanh năm xanh tốt. Đó chính là đền Voi Phục (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Đền Voi Phục gắn với huyền thoại về Linh Lang đại vương, một vị phúc thần có công với đất nước.

Theo thần tích được lưu giữ tại đền, vào đời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), nhà vua có lấy một bà phi tên là Hạo nương. Con của Long Vương thác, đầu thai làm con bà Hạo nương là Hoàng tử Hoằng Chân. Thời thơ ấu, hoàng tử sống cùng mẹ trong cung ở khu Thị Trại, chính là nơi có đền Voi Phục ngày nay. Lúc bấy giờ, đất nước rơi vào thế lâm nguy khi giặc Tống xâm lược nước ta. Hoàng tử đã xin vua xung trận dẹp giặc.

Giặc tan, nhưng Hoàng tử Linh Lang lâm bệnh nặng và qua đời. Nhà vua khi ấy vô cùng tiếc thương bèn cho lập đền thờ ở chính quê hương ngài. Tương truyền, khi ngài chuẩn bị ra trận, con voi chiến đã phủ phục dưới chân ngài để ngài bước lên. Đó là lý do ngôi đền có đắp hai con voi ở nghi môn. Đồng thời, ngôi đền cũng có tên là Voi Phục.

Trong tín ngưỡng dân gian, vùng đất Thăng Long có bốn ngôi đền trấn ở bốn hướng kinh thành. Đền Voi Phục là ngôi đền trấn phía tây kinh thành. Theo khảo sát của ngành văn hóa, Linh Lang đại vương được 269 nơi trên khắp cả nước phụng thờ. Do đó, ngoài vai trò là một trong bốn trấn của Thăng Long, đền Voi Phục còn là “chính từ” thờ phụng Linh Lang đại vương.

Ngôi đền được khởi dựng từ đời Lý, trải qua nhiều lần được trùng tu lớn, hiện vẫn còn giữ được nhiều hạng mục di tích quan trọng và là một danh thắng đẹp của Thủ đô. Ngôi đền có tiền đường ba gian hai dĩ, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiện có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch. Hậu cung thượng điện gồm ba gian, có bàn thờ với các pho tượng bằng gỗ và đồng.

Mái đền chính được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Hậu đường cũng là nơi thờ mẫu thân của thần Linh Lang và Tam tòa Thánh Mẫu, gồm năm gian có cửa bức bàn với kèo cột làm bằng gỗ lim. Một điều đặc biệt là các pho tượng đá từ thềm tam quan đến thềm hậu đường đều mô phỏng hình con cá sấu trước và trong khi hóa rồng. Lễ hội tưởng nhớ Linh Lang đại vương được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch hằng năm, là một lễ hội lớn trong vùng. Nhiều địa phương từ 269 nơi thờ phụng Linh Lang đại vương đến tế lễ, thể hiện lòng biết ơn.

Hiện nay, đền Voi Phục là một trong những địa điểm du lịch quan trọng của Thủ đô. Mới đây, các công ty du lịch đã đưa đền Voi Phục vào tua du lịch đạp xe qua Tứ trấn Thăng Long (đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đền Kim Liên). Tua du lịch này giúp khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa của Hà Nội, khám phá thêm chiều sâu tâm linh của người dân vùng đất Thăng Long cho nên được nhiều khách du lịch ưa chuộng.