Để học sinh hứng thú với học trực tuyến

Với mục tiêu không để học sinh nhàm chán, kém hứng thú khi phải học trực tuyến kéo dài, các thầy giáo, cô giáo các trường học tại Hà Nội đã lồng ghép nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, giúp các em chủ động, hào hứng với giờ học.

Tiết học Tự nhiên và Xã hội với chủ đề "Ngày hội đọc sách của chúng em" của cô giáo Trần Mỹ Linh và tập thể lớp 2A. Ảnh: HÀ THU
Tiết học Tự nhiên và Xã hội với chủ đề "Ngày hội đọc sách của chúng em" của cô giáo Trần Mỹ Linh và tập thể lớp 2A. Ảnh: HÀ THU

Do đặc điểm tâm, sinh lý, học sinh tiểu học thường mau chán, kém tập trung, dẫn tới tiếp thu bài học không hiệu quả khi phải học trực tuyến kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, tập thể giáo viên Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) luôn tìm cách vận dụng công nghệ thông tin làm phong phú hoạt động giáo dục. Một trong những giờ dạy được đánh giá tạo hứng thú cho học sinh là tiết học môn Tự nhiên và Xã hội với chủ đề “Ngày hội đọc sách của chúng em” của cô giáo Trần Mỹ Linh và tập thể lớp 2A. Thay vì cô giáo là người thuyết trình, giới thiệu sách, các em học sinh được chia làm năm nhóm tìm hiểu và chia sẻ với cả lớp cuốn sách mình yêu thích.

Mặc dù mới chỉ học lớp 2, nhưng các em học sinh được đánh giá khá tự tin, biết sử dụng từ ngữ trình bày tốt. Bên cạnh đó, cô giáo đã ứng dụng phần mềm Padlet, tạo Câu lạc bộ Sách lớp 2A để học sinh đăng tải phần giới thiệu cuốn sách mình yêu thích. Sau khi lắng nghe bạn giới thiệu và lựa chọn được những cuốn sách cho riêng mình, các học sinh tập lập Kế hoạch đọc sách trên phần mềm Classkick. Đây cũng là nhiệm vụ về nhà của các học sinh khi tự sáng tạo thiết kế “Kế hoạch đọc sách” của mình, để nhắc nhở bản thân mỗi ngày, đồng thời chia sẻ lên trang Câu lạc bộ Sách của lớp.

Tạo thói quen tốt với việc phát triển văn hóa đọc, từ đó tạo hứng thú, chủ động trong học tập cũng là đề tài được cô giáo Phạm Thanh Minh, Tổng phụ trách Trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đặc biệt quan tâm. “Làm thế nào để học sinh thích đọc sách, làm thế nào để phát triển văn hóa đọc, chúng tôi đã tìm nhiều giải pháp hữu ích cho mục tiêu này ngay khi học sinh, giáo viên không thể đến trường học trực tiếp trong thời gian qua”, cô giáo Minh chia sẻ. Việc áp dụng các phần mềm khiến học sinh khai thác năng lực bản thân, tìm tòi những cuốn sách hay, cách thức mới để chia sẻ kiến thức với bạn bè theo hình thức trực tuyến đã được cô Minh xây dựng và triển khai trong suốt thời gian học sinh tạm dừng đến trường và là một trong những đề tài giúp cô được công nhận là nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của quận Thanh Xuân năm học này.

Sáng tạo sân chơi online cho học sinh là cách thức nâng cao chất lượng dạy - học online và tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập của giáo viên Trường tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên). Một trong những sân chơi kiến thức thu hút học sinh của trường này là sân chơi “Vươn cao - tỏa sáng” cho học sinh các lớp. Các học sinh bước vào cuộc thi bằng cách chinh phục ba vòng thi, đó là Chinh phục mật mã, Vươn cao, Tỏa sáng. Vòng Chinh phục mật mã, học sinh sẽ vượt qua các câu hỏi có nội dung về các bài tập đọc đã học thuộc chủ điểm "Em lớn lên từng ngày" trong bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống".

Vòng Vươn cao được thực hiện trên phần mềm Quizizz, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó thuộc kiến thức của nhiều phân môn, vòng Tỏa sáng trên nền tảng Nearpot, Blooket là vòng thi chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Sân chơi được tổ chức dưới hình thức online, nhưng không làm giảm đi sự háo hức, tranh đấu quyết liệt để giành kết quả tốt nhất. Những phần mềm trò chơi được sử dụng trong cuộc thi hấp dẫn học sinh, phần nào đáp ứng mong mỏi của phụ huynh, học sinh trong bối cảnh dạy học hiện nay.

Tạm dừng đến trường nhưng học sinh vẫn cần những hoạt động giáo dục phong phú, tránh sự nhàm chán không có tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Đây là lý do mà Trường tiểu học Tràng An liên tục đưa ra những hoạt động gắn liền với chủ đề thời sự. Hưởng ứng nhiều kỷ niệm của Thủ đô trong tháng 10, học sinh Trường tiểu học Tràng An được nhà trường phát động tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hà Nội trong trái tim em”. Hơn 600 bức tranh đã gửi về ban tổ chức, trong đó có 15 học sinh xuất sắc giành được giấy chứng nhận với danh hiệu “Cây cọ nhí”.

Có thể thấy, bên cạnh việc học kiến thức các môn văn hóa thì việc tạo ra không gian sáng tạo cho hoạt động văn hóa, mỹ thuật, các cuộc thi kiến thức tổng hợp… sẽ giúp học sinh khắc phục những khó khăn, rào cản về tâm lý, thói quen không tốt khi phải học trực tuyến kéo dài vì dịch bệnh.