Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Nhằm giúp người sản xuất tiếp cận với người tiêu dùng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nỗ lực hỗ trợ nông dân cập nhật kiến thức, công nghệ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2022, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu có ít nhất 35 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đạt chứng nhận từ ba sao trở lên, giúp nâng cao giá trị sản phẩm có thế mạnh của địa phương và thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, Hoài Đức tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương; xây dựng, nâng cấp sản phẩm tham gia OCOP, trong đó chú trọng hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì mẫu mã sản phẩm; phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, huyện hỗ trợ khai trương từ một đến hai điểm giới thiệu, trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của huyện và nhất là đào tạo, tập huấn kiến thức, công nghệ cho cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP… Mới đây, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Kinh tế tổ chức hội nghị tập huấn về công nghệ thông tin và chương trình OCOP cho hơn 70 đại biểu hội nông dân các xã, thị trấn. Các đại biểu đã được các chuyên gia hướng dẫn những chuyên đề về quản trị sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, quản lý và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, nhiều nội dung liên quan công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet, sử dụng phần mềm giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng cũng được hướng dẫn cụ thể.

Tại huyện Phúc Thọ, địa phương thuần nông, có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung lớn như rau an toàn tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Phúc; bưởi sản xuất theo hướng VietGAP tại các xã Vân Hà, Hiệp Thuận, nhưng đến nay mới xây dựng được tám chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, xây dựng được nhãn hiệu tập thể, như bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, tương nếp Tam Hiệp..., chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, huyện chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Hội Nông dân thành phố hợp tác với sàn thương mại điện tử Postmart thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại và đầu tư phát triển công nghệ Nam Khánh và 12 chủ thể là các hợp tác xã, trang trại trên địa bàn huyện để liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản như chuối Vân Nam, rau an toàn Xuân Phú, đồ gỗ nội thất của làng nghề Long Xuyên... trên sàn thương mại điện tử. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa Phúc Thọ trở thành vành đai xanh của thành phố, huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, giúp người sản xuất tiếp cận, cập nhật kiến thức mới. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ, liên kết đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp người dân có cách nghĩ, cách làm mới để nâng cao thu nhập, tăng cường liên kết, mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội hiện có hơn 1.500 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt bốn sao, năm sao, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa tiếp cận được người tiêu dùng. Vì thế, việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp các chủ thể, các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.