Đẩy mạnh phân cấp đầu tư hạ tầng giao thông

Nguồn lực từ đất đai không được phát huy bởi hạ tầng giao thông kém do phải chờ nguồn vốn từ thành phố. Đó là thực trạng tại không ít địa phương của Hà Nội, đòi hỏi phải có cơ chế linh hoạt hơn trong việc phân cấp đầu tư cho các quận, huyện.

Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên cần cơ chế phù hợp để phát huy hơn nữa các nguồn lực. Trong ảnh: Một góc khu vực phía nam thành phố. Ảnh: DUY LINH
Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên cần cơ chế phù hợp để phát huy hơn nữa các nguồn lực. Trong ảnh: Một góc khu vực phía nam thành phố. Ảnh: DUY LINH

Vướng mắc lớn nhất để trở thành quận với huyện Đan Phượng hiện nay là hạ tầng khung chưa đáp ứng được yêu cầu để kêu gọi đầu tư, khai thác các quỹ đất phía đông vành đai 4 để sớm hình thành một số khu đô thị kiểu mới. Trong khi đó, nhiều tuyến đường khung trên địa bàn kết nối với các khu vực đã được thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ, nhưng chưa được đầu tư xây dựng như đường liên khu vực số 1 có mặt cắt từ 40 đến 50 m, chiều dài qua huyện 3,4 km; đường liên khu vực số 2, mặt cắt 50 m, chiều dài tuyến qua huyện 3,46 km; đường liên khu vực số 3, mặt cắt từ 30 đến 50 m, chiều dài tuyến qua huyện 3,34 km… Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, Phạm Văn Khôi cho biết, huyện đã đề nghị thành phố sớm phê duyệt chủ trương dự án xây dựng tuyến đường tây Thăng Long (đoạn từ đường vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài). Các tuyến đường khung kết nối khu vực đã được thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ cần có cơ chế giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng, nhằm khai thác hiệu quả các quỹ đất trong khu vực.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Nguyễn Tiến Cường đề nghị thành phố giao huyện làm chủ đầu tư hai dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Tựu Liệt và đường tránh Phan Trọng Tuệ (từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Ngọc Hồi) để cải thiện hạ tầng giao thông, tạo thêm diện mạo đô thị khang trang cho địa bàn.

Tại quận Hoàn Kiếm, hai phường ngoài đê của quận là Chương Dương, Phúc Tân có diện tích rộng 173 ha, dân số 28 nghìn người, tuy nhiên hạ tầng rất kém, các tuyến giao thông chủ yếu là đường ngang, ngõ hẹp. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, bộ mặt đô thị cũng rất nhếch nhác. Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định cho biết, trước thực trạng này, quận đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội phân cấp cho quận thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng các trục đường trên địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân từ nguồn vốn ngân sách của quận. Cụ thể: mở rộng ngõ 221 đường Hồng Hà, đồng thời mở thêm cửa khẩu tại đê bê-tông, kết nối ngõ 221 đường Hồng Hà với phố Hàng Khoai. Mở rộng đường Thanh Yên và cửa khẩu hiện có; mở rộng đường Hàm Tử Quan kết hợp với hầm chui qua đê. Mở rộng đường Chương Dương Độ kết hợp với hầm chui qua đê rộng 18,25 m. Mở rộng và nắn thẳng đường Cầu Đất kết hợp với hầm chui nối thẳng ra phố Tràng Tiền. Mở rộng, cải tạo, kéo dài đường dân sinh hiện có chạy dọc sông Hồng... Công tác này nhằm làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao năng lực giao thông khu vực, chống lấn chiếm bãi ven sông Hồng.

Các chuyên gia đều khẳng định, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên cần cơ chế phù hợp để phát huy hơn nữa các nguồn lực. Cần đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho quận, huyện, trước hết là thực hiện các tuyến đường giao thông khu vực, liên khu vực như đề xuất của quận, huyện. Trong đó, tại năm huyện chuẩn bị lên quận, việc phân cấp này sẽ huy động được mọi nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu đô thị hóa. Theo chuyên gia quản lý đô thị Phan Trường Thành, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn. Nên tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách thành phố. Còn thành phố tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối liên huyện và đường sắt đô thị; ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho các tuyến đường hỗ trợ những địa phương còn khó khăn; bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

Hiện, UBND thành phố Hà Nội đang triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, thành phố đề ra những mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực giao thông như chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến; đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận. Để các mục tiêu này sớm được hoàn thành, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho rằng, trong khi ngân sách thành phố hạn hẹp thì nên phân cấp cho quận nào đủ điều kiện kinh tế tự bỏ kinh phí chỉnh trang, thảm lại mặt đường các tuyến phố.

Tại các buổi làm việc với một số địa phương gần đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, quan điểm, chủ trương chung của Thành ủy là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, đề cao ý thức tự chịu trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã cả về công tác cán bộ và lĩnh vực khác. Việc nào địa phương, cơ sở có thể làm tốt, thành phố sẽ giao ngay, trước mắt là các dự án về giao thông. Các địa phương cần chủ động khâu chuẩn bị đầu tư để khi thành phố thông qua chủ trương, cụ thể hóa phân cấp là có thể bắt tay vào thực hiện ngay ■