Đẩy mạnh kết nối giao thương

Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, nhưng khả năng sản xuất tại chỗ có hạn, phải khai thác thêm nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác. Nhiều năm qua, các chuỗi liên kết, cung ứng hàng hóa, thực phẩm an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh đã được hình thành, nhưng vẫn cần có sự đồng hành, chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ để phát huy hiệu quả hơn.

Nông sản của các tỉnh, thành phố được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Nông sản của các tỉnh, thành phố được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Với hệ thống cửa hàng phủ khá rộng trên địa bàn Hà Nội, chuỗi cửa hàng Bác Tôm có nhu cầu tìm kiếm các nguồn cung thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền... Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất (đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng này) cho biết, thông qua tự khai thác và tham gia các diễn đàn kết nối nông sản, chương trình xúc tiến thương mại, chúng tôi đã tìm được nhiều nhà cung cấp từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ vậy, chúng tôi còn hỗ trợ các địa phương thúc đẩy chuỗi sản xuất tiêu dùng bền vững, từ xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa đến tay người tiêu dùng.

Hà Nội là thị trường lớn với khoảng 10,3 triệu người dân, nhưng sản xuất nông nghiệp tại chỗ chỉ đáp ứng được từ 30% đến 65% nhu cầu, tùy theo từng mặt hàng. Lượng hàng hóa còn thiếu được các doanh nghiệp, thương lái... khai thác từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với 1.130 đầu mối cơ sở ở 45 tỉnh, thành phố để cung cấp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân. Mười tháng qua, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ hơn 220 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, trong những năm qua, tỉnh phối hợp chặt chẽ thành phố Hà Nội để tổ chức các chương trình, tuần lễ giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cung ứng cho Hà Nội hàng nghìn tấn nông, lâm, thủy sản, trong đó có tới 700 tấn bí xanh. Tỉnh Bắc Kạn đề nghị Hà Nội tạo điều kiện để nông sản địa phương tiếp cận người tiêu dùng Thủ đô, nhất là các sản phẩm như miến dong, cam, quýt… Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên cũng duy trì cung ứng cho Hà Nội hơn 15 nghìn tấn nông sản an toàn.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Dương Văn Lượng cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, trong đó khuyến khích phát triển các vùng rau, củ, quả an toàn, bổ sung tem nhãn mác, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Tỉnh cũng đề nghị Hà Nội cần có cơ chế trao đổi thông tin giữa hai địa phương về nhu cầu tiêu thụ hằng tháng, hằng quý để địa phương có định hướng sản xuất, xây dựng đầu mối cung ứng sản phẩm cho Hà Nội…

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thành phố đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng 11 nhóm hàng hóa chính phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn vẫn ở mức cầm chừng. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh, thành phố của Hà Nội là rất lớn.

Bên cạnh đó, trên hệ thống phân phối của Thủ đô vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, tiêu chí về số lượng, sản lượng, chất lượng cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Số lượng những sản phẩm mang tính vùng miền, sản phẩm OCOP còn rất ít, cho nên việc vận chuyển, tạo đà xuất khẩu vẫn còn bị hạn chế.

Nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thị trường Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, triển khai các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, đơn vị các tỉnh, thành phố tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông sản trên địa bàn; các hoạt động giới thiệu nguồn cung sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đến các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội...

Bà Trần Thị Phương Lan đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng, miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất dư cung. Các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm bởi người dân Hà Nội sẵn sàng mua giá cao nếu các đặc sản, sản phẩm có chất lượng tốt. Các hệ thống phân phối tiếp tục công khai tiêu chuẩn, tiêu chí và hướng dẫn các doanh nghiệp và địa phương để nắm bắt, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện gia nhập kênh phân phối, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.