Chung quanh việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu

Ngay sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 39/KL-TTr về việc thanh tra Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên trục  đường Lê Văn Lương-Tố Hữu, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang nghiêm túc thực hiện kết luận, đồng thời làm rõ một số vấn đề chưa thống nhất.

Tuyến đường Lê Văn Lương.
Tuyến đường Lê Văn Lương.

Theo kết luận thanh tra, thực hiện Quyết định số 1259/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ năm 1999 đối với hai bên các tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính; lập các quy hoạch phân khu đô thị để phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu nghiên cứu đã cơ bản đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhưng khi triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, điều chỉnh đồ án, điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế cho từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng, diện tích sàn xây dựng. Việc điều chỉnh quy hoạch dẫn đến gia tăng dân số, gây quá tải hệ thống hạ tầng, ùn tắc giao thông...

Về tuyến đường Lê Văn Lương, đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho biết, tuyến đường được hình thành từ lâu, thay đổi qua nhiều thời kỳ và đặc biệt là sau khi xây dựng cầu Hòa Mục năm 1998, hình thành trục xuyên tâm từ thành phố Hà Nội tới tỉnh Hà Tây (trước đây). Từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương được xác định xây dựng các tòa nhà cao tầng và nội dung này đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Để chỉnh trang các tuyến phố trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, phù hợp định hướng mới sau khi thành phố mở rộng địa giới hành chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao các công trình tại đây. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, bảo đảm yêu cầu hạ tầng đã xác định tại quy hoạch phân khu.

Một vấn đề được dư luận rất quan tâm đó là việc có nhiều tòa nhà cao tầng xây dựng hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, gây quá tải hệ thống hạ tầng, ùn tắc giao thông. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xây dựng nhiều nhà cao tầng tại trục đường Lê Văn Lương có tăng tải lên hệ thống giao thông, nhưng không phải là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông, bởi quy hoạch đã định hướng phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ tại khu vực này. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực, vướng mắc giải phóng mặt bằng, hiện nay khu vực này mới triển khai được 42% diện tích đường giao thông theo thiết kế.

Hơn nữa, việc ùn tắc giao thông tại đây thường diễn ra vào giờ cao điểm, trong đó vào giờ cao điểm buổi sáng tắc chiều đi vào nội đô, cao điểm buổi chiều tắc chiều đi ra ngoại ô. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở trục đường Lê Văn Lương mà ở nhiều tuyến đường khác, kể cả những tuyến đường không có nhiều nhà cao tầng cũng xảy ra ùn tắc như đường 5, chủ yếu là do lượng người từ ngoại thành, ven đô vào làm việc trung tâm thành phố. Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại nội đô, những năm qua thành phố Hà Nội đã giới thiệu nhiều khu đất để các đơn vị di dời các cơ sở trường học, bệnh viện, cơ quan ra ngoài nội đô, nhưng việc này đến nay triển khai chưa hiệu quả; đồng thời việc phát triển các đô thị vệ tinh cũng chậm trễ, khiến lưu lượng giao thông đổ dồn vào khu vực nội đô.

Đồng chí Phạm Quốc Tuyến khẳng định, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai các nội dung Kết luận của Thanh tra của Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung kết luận chưa thống nhất, Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo quy định ■

Bài và ảnh: Ngọc Thanh