“Chìa khóa” tạo sự đồng thuận

Trong giai đoạn tăng tốc đô thị hóa, huyện Đan Phượng coi công tác dân vận chính quyền như “chìa khóa” để tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đổi mới phong cách làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, huyện tập trung giải quyết dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc của nhân dân.

Giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân

Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động điều hành của huyện Đan Phượng. Hằng ngày, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng trực tiếp đọc, chỉ đạo giải quyết đơn thư của người dân. Ở cấp xã thì các chủ tịch UBND xã phải làm việc này. Đồng chí Hoàng cho biết, yêu cầu của huyện là giải quyết đơn thư không được chậm trễ, nhất là trong bối cảnh huyện đang triển khai hàng loạt dự án, giá đất tăng. Nhận định việc giải quyết đơn thư còn chậm trễ, vướng mắc một phần là do kinh nghiệm, năng lực, hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức còn hạn chế, huyện Đan Phượng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ xử lý đơn thư cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tại lớp tập huấn về nghiệp vụ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tháng 10-2020, đồng chí Chủ tịch UBND huyện cùng tất cả các trưởng, phó phòng, ban của huyện, lãnh đạo và công chức chuyên môn các xã đều tham gia, tích cực thảo luận về các tình huống thực tế. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội Lê Đình Cung, giảng viên của lớp mong muốn, qua các lớp tập huấn, cấp xã sẽ làm tốt hơn công việc giải quyết đơn thư, giảm áp lực lên huyện và thành phố. 

Chủ tịch UBND huyện trực tiếp phụ trách công tác dân vận chính quyền, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khi có vụ việc phát sinh, hệ thống chính quyền tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm thông qua đối thoại trực tiếp, không để vấn đề trở nên phức tạp. Hằng năm, huyện đều tổ chức các cuộc đối thoại với các tầng lớp nhân dân. Tháng 6-2020, lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng chuyên môn đối thoại với hơn 100 hộ dân có đơn thư, kiến nghị, qua đó đã làm sáng tỏ nhiều nội dung, làm rõ trách nhiệm của các bên. Sau khi đồng chí Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến kết luận, người dân đồng tình vỗ tay khen ngợi, biểu thị sự đồng tình với cách giải quyết của huyện. Đồng chí Hoàng cho biết, thực tế là hầu hết đơn thư có luật sư đứng sau và họ có ảnh hưởng lớn đến người dân. Nếu luật sư và chính quyền gặp nhau ở việc thực thi pháp luật đúng đắn thì việc giải quyết đơn thư sẽ đỡ phức tạp hơn nhiều. Chính vì vậy, trong các cuộc tiếp dân gần đây, huyện đều mời luật sư tham gia, vừa để khách quan, trung thực, vừa giúp người dân hiểu thêm về quy định pháp luật. Việc xử lý đơn thư của huyện đã được kết nối với cấp thành phố và cấp xã, tiến độ xử lý đơn được cập nhật thường xuyên trên phần mềm quản lý công việc của huyện. Chín tháng năm 2020, 99,36% số thủ tục hành chính được thực hiện đúng hạn ở cấp xã, con số này ở cấp huyện là 100%. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai quyết liệt các nội dung cải cách hành chính, điện tử hóa văn bản hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân. Nhờ thực hiện công khai, dân chủ việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án triển khai trên địa bàn huyện cơ bản được người dân ủng hộ, bảo đảm tiến độ triển khai. 

Nâng cao trách nhiệm và kỹ năng làm việc 

Những năm gần đây, huyện Đan Phượng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác của cán bộ, công chức. Chín tháng năm 2020, huyện đã tiến hành ba đợt kiểm tra thực thi công vụ đối với nhiều cơ quan, đơn vị và tiến hành 147 cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Để siết chặt kỷ luật lao động, hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các trưởng phòng và chủ tịch UBND xã, thị trấn. Các trưởng phòng và chủ tịch UBND xã, thị trấn đánh giá cán bộ dưới quyền. Huyện yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải xây dựng lịch công tác tuần, đăng công khai trên trang nội bộ của huyện để lãnh đạo kiểm soát, đôn đốc việc thực hiện. Năm 2019, một công chức của huyện hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ đã bị cho thôi việc. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng cho biết, còn nhiều người chưa hiểu thẩm quyền các cơ quan trong hệ thống chính trị, không nắm vững quy trình nộp đơn, đề xuất không rõ, thiếu căn cứ pháp luật hoặc nội dung đơn không đầy đủ. Huyện sẽ tăng cường trợ giúp pháp luật cho người dân trong thời gian tới, nhất là về cách thức soạn thảo đơn và quy trình xử lý đơn, thư. Đồng chí Hồng cũng đề xuất tăng số công chức địa chính đối với những xã, thị trấn đang triển khai dự án, giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ công việc.   

Từ tinh thần trách nhiệm với công việc, với người dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều năm qua, huyện Đan Phượng không phát sinh vụ việc khiếu kiện phức tạp, tập trung đông người, không có điểm nóng. Ổn định xã hội đã thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh với hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động, gần 1.800 hộ sản xuất tập trung. Đời sống người dân được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/năm. Huyện cũng là địa phương dẫn đầu Thủ đô về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với chín xã được đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó xã Đan Phượng được lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.