Cải cách thủ tục hành chính chưa như mong muốn

Trong thời gian qua, Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp, từng bước cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh, họ thường phải chi thêm các khoản "phí không chính thức" hay nhờ các bộ phận "trung gian" để thực hiện thủ tục hành chính; thủ tục thành lập doanh nghiệp còn quá nhiêu khê, rườm rà.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: KỲ ANH
Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: KỲ ANH

Muốn nhanh vẫn phải nhờ "cò"

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015" đánh giá, nếu nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh trên cả nước, Hà Nội cần phải tiếp tục cố gắng rất nhiều. Vì Hà Nội xếp thứ 20 trong số 27 trong các địa phương đạt loại khá, thứ 8 trong số 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng cuối cùng trong năm thành phố trực thuộc Trung ương. Thậm chí Hà Nội còn có một số chỉ số dưới mức trung bình gồm chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức và tính năng động.

Quả thật, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc xếp thứ hạng chung của Hà Nội trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là "chi phí không chính thức". Đó là các khoản phí "bôi trơn" mà doanh nghiệp phải trả khi thực hiện các thủ tục hành chính, hoặc để có được các hợp đồng kinh doanh. Đáng lưu ý, trong khi nhiều địa phương, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương có những chuyển biến tích cực về chỉ số này, thì Hà Nội lại giảm năm bậc, xếp thứ 61/63.

Kết quả điều tra xã hội học về công tác cải cách thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức nêu rõ, có tới 9,1% người được hỏi cho biết phải trả thêm chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính; 15,5% nhờ người quen giúp đỡ và 5,8% phải nhờ trung gian để thực hiện. Những con số này cho thấy, việc người dân, doanh nghiệp phải chi thêm các khoản "phí không chính thức" hay nhờ các bộ phận "trung gian" để thực hiện thủ tục hành chính là có thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng con số này chưa phản ánh đúng thực tế, bởi địa bàn Hà Nội rộng, số lượng tổ chức, doanh nghiệp đông với khoảng gần 117.000 đơn vị, trong khi các thủ tục hành chính lại rất nhiều, cho nên khó có thể thống kê đầy đủ. Còn đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thừa nhận, chi phí không chính thức đang tồn tại ở bộ máy hành chính, nếu muốn khắc phục cần phải tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và thực hiện phân cấp nhiệm vụ.

Một "cửa" nhưng quá nhiều "khóa"

Dù đã có nhiều cố gắng, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời hạn, chi phí của các tổ chức, cá nhân, song trên thực tế Hà Nội vẫn còn những thủ tục "thông" nhưng chưa "thoáng". Vẫn theo kết quả cuộc điều tra xã hội học nêu trên, có đến 41,4% số người được hỏi cho biết họ phải bổ sung giấy tờ nhiều lần trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó, 30,8% phải bổ sung do không được hướng dẫn đầy đủ về thủ tục và 40,9% là do thủ tục hành chính quá phức tạp.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông dẫn chứng để một dự án đầu tư trên địa bàn được phê duyệt, doanh nghiệp đang phải đi qua rất nhiều bước gian nan, khó khăn, tốn không ít thời gian, công sức. Vì theo Quyết định 09/2012 của UBND TP Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội, muốn có thông tin về thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách đầu tư, đầu tiên doanh nghiệp phải đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tiếp đến là Sở Quy hoạch và Kiến trúc để được hướng dẫn về địa điểm, cấp giấy phép quy hoạch. Đồng thời phải tới Sở Xây dựng để được hướng dẫn, cung cấp thông tin về đấu nối hạ tầng kỹ thuật đô thị. Sau đó, qua Sở Tài nguyên và Môi trường để lấy thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách quản lý đất đai, thủ tục thu hồi, giao, cho thuê đất; đánh giá tác động môi trường... Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị, thành phố chỉnh sửa các nội dung tại Quyết định 09/2012 theo hướng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận và trả các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.

Dù được Bộ Nội vụ xếp thứ bảy trong số 63 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về cải cách hành chính nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như năng lực tham mưu xây dựng kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn yếu, tình trạng nợ văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ban, ngành, tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ đạt thấp, chậm triển khai đề án xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đây chính là những rào cản khiến công tác cải cách hành chính của Hà Nội chưa đạt kết quả như mong muốn.

Việc bị xếp đứng cuối cùng trong năm thành phố trực thuộc Trung ương về năng lực cạnh tranh là điều Hà Nội phải suy nghĩ. Để duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, từng bước nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu, từng sở, ngành, đơn vị liên quan phải có kế hoạch khắc phục những chỉ số bị xếp hạng thấp. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hơn nữa trong tiếp cận các thông tin về đất đai, cải cách thủ tục hành chính theo hướng rõ thời gian cho từng thủ tục, có đầu mối chịu trách nhiệm từng công việc.