Bắt đầu từ những "hạt nhân" văn hóa

Sau hơn nửa năm triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành (bộ tiêu chí), kết quả đạt được khá rõ nét. Tại các hộ gia đình triển khai thực hiện bộ tiêu chí, con cháu biết lễ phép, kính trên nhường dưới; vợ chồng giữ gìn lời ăn tiếng nói để gia đình thuận hòa. Trong năm nay, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai bộ tiêu chí tại một số phường, xã để tiếp tục rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà.

 Gia đình ông Nguyễn Ðình Thoa, tổ 4, ngách 97/16, phố Khương Trung, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) được chọn triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ảnh: ÐINH THUẬN
Gia đình ông Nguyễn Ðình Thoa, tổ 4, ngách 97/16, phố Khương Trung, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) được chọn triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ảnh: ÐINH THUẬN

Gia đình bà Nguyễn Thị Lê (số 16, ngõ 26, phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) là một trong 300 gia đình tại phường Khương Trung tham gia thực hiện thí điểm bộ tiêu chí. Gia đình bà Lê có một người con trai, một người con gái. Nhiều năm nay, gia đình bà luôn giữ nếp sống ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Về kinh tế, tuy hai vợ chồng bà Lê đã có lương hưu, nhưng mỗi khi trong gia đình, họ hàng có việc là các con bàn nhau đóng góp, tạo điều kiện giúp đỡ bố mẹ. Khi bố mẹ đi du lịch cũng được các con bảo nhau góp tiền mua vé tàu xe cho ông bà... Ðiều đặc biệt ở gia đình này là trong một thời gian dài, gia đình con gái, con rể sống chung với bố mẹ vợ. Vợ chồng bà Lê coi con rể, con dâu cũng như con đẻ của mình, và ngược lại, dâu, rể cũng yêu quý ông bà như bố mẹ ruột, vì thế gia đình rất hòa thuận. Khi biết phường Khương Trung triển khai thí điểm thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bà cùng hai người con đã hăng hái tham gia ký cam kết. Vốn đã sống gương mẫu, nhưng thực hiện bộ tiêu chí khiến gia đình bà càng ý thức hơn về giữ gìn hạnh phúc, lời ăn, tiếng nói trong gia đình và xã hội. Bà Lê cho biết: "Tôi nghĩ, mình giờ đã lên chức ông, bà thì phải gương mẫu cho con cháu noi theo, dạy các con cũng phải bắt đầu từ lời ăn, tiếng nói, đến hành động của mình. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình rất thiết thực, nếu các gia đình cũng như toàn dân thực hiện đúng thì rất tốt cho chính gia đình mình và cho cả xã hội".

Từ tháng 9-2019, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai thí điểm thực hiện bộ tiêu chí. Hai địa bàn được chọn là phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì), một địa bàn đặc trưng cho đô thị, một địa bàn đặc trưng cho nông thôn của Hà Nội. Trong bộ tiêu chí, có những tiêu chí ứng xử chung, gồm: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và các tiêu chí ứng xử cụ thể, gồm: Tiêu chí ứng xử giữa vợ chồng; ứng xử của cha, mẹ với con, ứng xử của ông, bà với cháu; ứng xử của con với cha, mẹ, ứng xử của cháu với ông, bà; ứng xử của anh, chị, em. Từng tiêu chí lại có những nội dung cụ thể, như giữa vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình, chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung... Nhìn chung, các tiêu chí dễ nhớ, dễ thuộc để mọi người dân có thể thực hiện. Cũng như gia đình bà Lê, việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí của gần 300 hộ gia đình khác trên địa bàn phường Khương Trung đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Nguyễn Anh Chiến đánh giá: "Các hộ dân cư được lựa chọn để thí điểm thuộc tổ dân phố 4 và số 14. Sau một thời gian triển khai, bộ tiêu chí đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thông qua chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần tạo hạnh phúc bền vững cho các gia đình".

Tại xã Phú Cường, sau khi các gia đình thực hiện cam kết, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Khu vực nông thôn có điểm thuận lợi trong triển khai là mọi người vẫn giữ nhiều nếp cũ trong sinh hoạt, đó là kính trên, nhường dưới, cha mẹ gương mẫu. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật trong đời sống gia đình vùng quê này là còn nhiều hộ sống chung ba, bốn thế hệ trong nhà. Việc nhiều thế hệ chung sống dễ dẫn đến những va chạm giữa các thế hệ trong gia đình. Bởi vậy, thực hiện bộ tiêu chí khiến mỗi người thấy có trách nhiệm hơn với những thành viên khác. Mỗi hành động, lời nói đều phải cân nhắc hơn. Chính quyền, đoàn thể địa phương cũng tích cực tuyên truyền những tấm gương gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà để mọi người học hỏi. Một trong số đó là gia đình bác Trần Ðức Việt (thôn Thanh Chiểu). Hàng chục năm qua, trong gia đình bác có bốn thế hệ, gồm vợ chồng bác, bố mẹ bác và các con, các cháu sống chung. Bác Việt cho biết, việc sống chung khó tránh khỏi chuyện "mỗi người một ý". Vợ chồng bác phải luôn cố gắng cảm thông với người già, dạy con biết được tâm lý của từng thế hệ, ăn ở thế nào cho tình cảm, hài hòa. Nếu mỗi người đều cố gắng tránh nóng giận, biết nghĩ đến người khác thì mọi việc sẽ êm ả. Không chỉ giúp xây dựng gia đình yên ấm, bộ tiêu chí còn có tác dụng như "tấm lá chắn" phòng hộ từ xa cho vấn đề bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Đánh giá về việc thực hiện bộ tiêu chí, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: "Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp các địa phương tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt chuyên đề bám sát các tiêu chí ứng xử, phù hợp nhu cầu, độ tuổi của từng nhóm đối tượng, như: Cách ứng xử của cha mẹ với con trong cuộc sống hiện đại; ứng xử vợ chồng chung thủy - nghĩa tình; ứng xử anh, chị, em hòa thuận - chia sẻ... Bộ tiêu chí có tác động tích cực đến đời sống gia đình ở những địa bàn thực hiện thí điểm. Do đó, thành phố đã xây dựng kế hoạch nhân rộng bộ tiêu chí ở năm xã, phường, thị trấn, gắn với nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa và thực hiện hai quy tắc ứng xử của thành phố trong năm 2020, nhằm góp phần thiết thực xây dựng văn hóa, con người Thủ đô".