Bảo đảm sự đồng thuận từ cơ sở

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về củng cố cơ sở đảng yếu kém và Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường giải quyết khiếu nại tố cáo đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để kết quả này thật sự bền vững, các cấp, các ngành của thành phố cần vào cuộc quyết liệt, thường xuyên, gắn với trách nhiệm cụ thể từng cơ quan, đơn vị.

Lực lượng chức năng quận Hoàng Mai và phường Thịnh Liệt tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án tuyến đường Vành đai 2,5. Ảnh: VŨ LÊ
Lực lượng chức năng quận Hoàng Mai và phường Thịnh Liệt tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân bàn giao mặt bằng cho dự án tuyến đường Vành đai 2,5. Ảnh: VŨ LÊ

Hiệu quả từ thực tiễn

Nhiều năm qua, công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường vành đai 2,5 của quận Hoàng Mai gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng chính sách do ảnh hưởng từ việc thay đổi từ Luật Ðất đai 2003 sang Luật Ðất đai 2013. Ngoài ra, quá trình xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của người dân cũng gặp vướng mắc do các hộ tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ... Bên cạnh đó, người dân phản đối rất quyết liệt, gửi đơn kiến nghị, khiếu nại về quy hoạch, chỉ giới, mốc giới, hồ sơ pháp lý của dự án và chính sách  giải phóng mặt bằng lên nhiều cấp, khiến quá trình giải quyết, trả lời đơn thư phức tạp, kéo dài.

Ðến giữa tháng 6/2021, dự án đường vành đai 2,5 qua địa bàn phường Thịnh Liệt còn 19 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú, để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, quận đã báo cáo thành phố và các ngành chức năng tháo gỡ mọi kiến nghị chính đáng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt đã xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 29/6 nếu 19 hộ dân nêu trên cố tình chây ỳ. Với tinh thần không để phát sinh thành điểm “nóng”, tạo sự đồng thuận xã hội, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã kiên trì vận động người dân bàn giao mặt bằng trước ngày cưỡng chế. Kết quả, đến ngày 26/6, toàn bộ 19 hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Theo Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, cách làm này đã góp phần quan trọng giải quyết cơ bản 10 vụ việc phức tạp trên địa bàn cần quan tâm. Trong đó, Quận ủy đã phân công, gắn trách nhiệm giải quyết các vụ việc phức tạp cho các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Cũng bằng sự quyết liệt cùng những giải pháp cụ thể, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho rằng, quận đã tập trung chỉ đạo, giải quyết ngay đối với một số tổ chức cơ sở đảng có vấn đề phức tạp hoặc tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy; phân công cụ thể các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Quận ủy viên phụ trách địa bàn phường trực tiếp dự họp, nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp tại cơ sở; tăng cường tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật của Ðảng.

Bảo đảm quyền lợi cho người dân

Ở cấp thành phố, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU cũng chủ động theo sát nắm bắt tình hình cơ sở, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh; lắng nghe và kịp thời có ý kiến các vụ việc phức tạp, đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Theo Ban Nội chính Thành ủy, sáu tháng đầu năm 2021, các cơ quan hành chính thành phố đã tiếp hơn 13.200 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Các cơ quan cũng đã tiếp nhận và xử lý hơn 26.000 đơn các loại, gồm hơn 4.000 đơn khiếu nại, hơn 4.200 đơn tố cáo và hơn 17.800 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến chính sách thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất dịch vụ, tranh chấp đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, các vấn đề về môi trường... Riêng đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Bầu cử các cấp đã giải quyết theo quy định 380 vụ việc. Nhờ đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tập trung giải quyết, sớm ổn định tình hình, góp phần vào thành công cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội nhận định, công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác phát hiện, kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra một số quận, huyện, xã, phường, thị trấn còn chưa hiệu quả, dẫn đến một số vi phạm xảy ra trong thời gian dài trên địa bàn không được xử lý. Một số tổ chức cơ sở đảng có nội dung củng cố thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện có khả năng giải quyết ngay, nhưng chỉ đạo không quyết liệt, cho nên hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chủ quan, không nắm chắc tình hình, bị động, ứng phó chậm trong giải quyết các vụ việc. Hiện nay, toàn thành phố còn 33 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố trong thời gian tới.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải tiếp tục tăng cường tiếp xúc, đối thoại và khi giải quyết vụ việc nào cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên, thực hiện đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không làm mất niềm tin của dân, không được giấu giếm, không mắc bệnh thành tích. Các cấp ủy cũng không vội vàng đưa các đơn vị mới được củng cố, vụ việc mới được giải quyết ra khỏi danh sách theo dõi; trừ khi đã có kết quả vững chắc, được kiểm chứng qua thời gian. Có như vậy, việc thực hiện Nghị quyết số 15 và Chỉ thị số 15 mới đạt hiệu quả cao.