Bảo đảm nguồn lực cho sự phát triển

Với 18 nghị quyết được thông qua, tại kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND) Hà Nội đã quyết định nhiều nội dung quan trọng, đưa ra những cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý, gỡ nút thắt trong quá trình thực hiện nhằm khai thác nhanh và hiệu quả các tiềm năng phát triển của Thủ đô.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: Kỳ họp đã xem xét, thảo luận và thông qua 15 báo cáo, hai nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề với tỷ lệ thống nhất cao. Đây là những cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố trong năm 2021, cũng như của cả nhiệm kỳ.

Dành 650 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công

Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của TP Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội trên địa bàn.

Thành phố dự kiến dành 650 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách thành phố, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố là 218 nghìn tỷ đồng và cấp huyện là hơn 85 nghìn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị đạt từ 12 đến 15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông gồm hơn 83 nghìn tỷ đồng để thực hiện 255 dự án. Đồng thời dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án. Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4, các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, thành phố cân đối bố trí vốn 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi…

Tăng đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết: Mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố đang thực hiện là 350.000 đồng/người/tháng (chuẩn của Trung ương là 270.000 đồng), tương ứng tăng hơn mức chuẩn Trung ương 80.000 đồng. Căn cứ quy định hiện hành của Trung ương, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng hằng năm, khả năng cân đối ngân sách và sau khi tham khảo mức chuẩn trợ giúp xã hội của một số địa phương khác cho nên Hà Nội đề xuất mức chuẩn của thành phố là 440.000 đồng/người/tháng.

Nghị quyết Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của TP Hà Nội cũng bổ sung một số đối tượng bảo trợ xã hội ngoài quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ và ngoài các đối tượng đang đề nghị được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo chính sách đặc thù của thành phố. Cụ thể gồm tám nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm sáu nhóm đối tượng): Đối tượng được trợ cấp tại cộng đồng (nhóm trẻ em); người từ đủ 16 đến dưới 22 tuổi đang học văn hóa, học nghề, học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

 Đối tượng đề xuất tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trẻ em quá khó khăn, có nguyện vọng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội; người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; người nhiễm HIV/AIDS từ đủ 16 tuổi trở lên đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội; trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp; trẻ em có nguy cơ bị bạo lực gia đình; bị xâm hại tình dục, thân thể).

Dự kiến kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563.308 triệu đồng/năm (tăng thêm 366.899 triệu đồng/năm so với hiện hành). Đối tượng bảo trợ xã hội là người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập không còn thuộc diện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, UBND thành phố đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do Trung ương quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).

AN TRÂN