Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Nhờ việc chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường hàng hóa tại Hà Nội những ngày qua vẫn ổn định. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục xây dựng các phương án, kịch bản để sẵn sàng nguồn lương thực, thực phẩm trong tình huống dịch diễn biến phức tạp hơn.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bày bán đầy đủ, phong phú tại siêu thị Aeon Long Biên.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bày bán đầy đủ, phong phú tại siêu thị Aeon Long Biên.

Trong chiều và tối 18/7, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Công điện 15, nhiều người dân có tâm lý lo lắng, đã vội đến các siêu thị, cửa hàng để mua thêm lương thực, thực phẩm, khiến cho nhiều quầy hàng như rau, thịt, trứng, mì tôm... trống trơn. Tuy nhiên, sáng hôm sau, các siêu thị, cửa hàng, chợ… đã bổ sung đầy đủ lượng thực phẩm cung ứng. 

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây cho thấy, hàng hóa dồi dào, đa dạng, giá bình ổn. Lượng khách tới siêu thị, chợ không tăng, nhưng mọi người đều mua với số lượng nhiều hơn mọi khi. Bác Nguyễn Thị Diệp ở Tư Đình, quận Long Biên cho biết: “Để không phải đi chợ nhiều lần, cho nên mỗi lần đi chợ hoặc đi siêu thị, tôi có mua nhiều hơn bình thường, đủ để gia đình dùng trong ba, bốn ngày”. Theo các doanh nghiệp bán lẻ và tiểu thương tại các chợ, một số thực phẩm bảo quản được lâu như bí xanh, bí đỏ, trứng gia cầm, khoai tây... tăng giá khoảng 10%, do nhiều đơn vị đang thu mua để chuyển vào các tỉnh phía nam, khiến nguồn cung hạn chế. 

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng của người dân, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng hàng dự trữ lên gấp ba lần với tổng giá trị khoảng 194 nghìn tỷ đồng. Do đó, từ đầu năm đến nay, nguồn hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng cho người dân, kể cả những thời điểm dịch phức tạp. Các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường  nhân lực để phục vụ người tiêu dùng.

Nhận định diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, kéo dài, thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, bảo đảm ung ứng các mặt hàng thiết yếu đầy đủ, kịp thời cho nhân dân. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, sản xuất tại chỗ trên địa bàn hiện cơ bản đáp ứng được các nhu cầu về thịt lợn, thịt gia cầm, thủy, hải sản... Sở đang tính toán lên phương án sản xuất nông nghiệp trong các tháng cuối năm để phù hợp tình hình, diễn biến dịch. Trong đó, tăng sản lượng các loại rau củ quả, gia súc, gia cầm… để có thể cơ bản đáp ứng nhu cầu tại chỗ, chủ động nguồn cung.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, để tăng tính chủ động, giảm bớt khó khăn trong vận chuyển liên tỉnh, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã bổ sung thêm các nhà cung cấp trên địa bàn Hà Nội, đồng thời, đưa hàng về kho của doanh nghiệp thay cho việc để hàng tại kho của nhà sản xuất như trước đây. Các đơn vị cũng bố trí, tăng cường các kho hàng ngay trên địa bàn thành phố để kịp thời, thuận tiện vận chuyển hàng hóa cung ứng cho người dân. Giám đốc vận hành VinMart miền bắc Khúc Tiến Hà cho biết thêm: “Chúng tôi khuyến khích hình thức bán hàng online, thanh toán không dùng tiền mặt, đội ngũ giao hàng tận nhà cho khách hàng để giảm việc trực tiếp tới siêu thị, tránh lây lan dịch bệnh”.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện, cùng các nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán. Đồng thời, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng hóa thuận lợi, giảm chi phí. Bên cạnh đó, thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã để làm kho dự trữ hàng, bán lưu động khi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã yêu cầu các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để triển khai cụ thể phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa của từng đơn vị theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất. Trong đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị sẽ xây dựng phương án "luồng xanh" cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối trên địa bàn, bảo đảm thông suốt, không ách tắc, kịp thời cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân.