Bài học từ những tấm gương nhà báo cách mạng

Với nhiều tư liệu, hình ảnh, trưng bày chuyên đề "Ðứng lên và Cất tiếng", Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đem đến cho công chúng nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong vai trò người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam; những khó khăn, hy sinh của những nhà báo cách mạng qua các thời kỳ khác nhau. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những nhà báo cách mạng đã vượt qua thử thách, sẵn sàng hy sinh để tuyên truyền lý tưởng cách mạng, để lại bài học về tinh thần cống hiến cho thế hệ hôm nay.

Các đại biểu nghe giới thiệu về nền báo chí cách mạng Việt Nam tại không gian trưng bày.
Các đại biểu nghe giới thiệu về nền báo chí cách mạng Việt Nam tại không gian trưng bày.

Đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), không gian của Nhà tù Hỏa Lò được biến thành không gian "kể chuyện" lịch sử của nền báo chí cách mạng.

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ðây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Người sáng lập, chỉ đạo và là biên tập chính. Không chỉ là người đặt nền móng đầu tiên, chỉ thị thành lập những cơ quan báo chí quan trọng nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp viết hàng nghìn bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau. Các tư liệu, hình ảnh được trưng bày cho thấy, Bác Hồ là người sáng lập và là người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Khi nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, lịch sử nền báo chí cách mạng có nhiều điều đặc biệt. Báo chí là phương tiện tuyên truyền, giáo dục tư tưởng nên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến luôn bị cấm đoán. Các nhà báo cách mạng đã bất chấp gian khổ, hy sinh cho ra đời những tờ báo đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ của mình. Có những tờ báo ra đời ngay trong bối cảnh tù ngục. Chúng tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm đưa những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện ấy đến với mọi người".

Trưng bày "Ðứng lên và Cất tiếng" được thể hiện qua hai nội dung: Tiếng nói dân tộc và Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng. Ở nội dung Tiếng nói dân tộc, sau phần Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng, trưng bày giới thiệu những tờ báo, nhà báo cách mạng thế hệ đầu tiên, những tờ báo, nhà báo trong tù ngục thực dân, đế quốc. Khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi hoàn cảnh, những nhà báo-chiến sĩ luôn vững tay bút, sáng niềm tin, góp phần cất lên tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và dựng xây đất nước. Ngay cả khi bị bắt giam trong nhà tù thực dân, đế quốc, các chiến sĩ yêu nước, cách mạng vẫn dùng ngòi bút làm vũ khí để bẻ gãy gông cùm. Tại Nhà tù Hỏa Lò, Chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo "Con đường chính", "Ðuốc Việt Nam", "Lao tù"... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Ðình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tờ "Lao tù tạp chí" do Chi bộ Ðảng Nhà tù Hỏa Lò xuất bản, là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi "hang cùng ngõ hẻm" trong Nhà tù Hỏa Lò và cũng là cơ quan ngôn luận "sống" lâu nhất. Ðảng bộ Nhà tù Sơn La xuất bản tờ "Suối reo" nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Tại Nhà tù Côn Ðảo, trong số nhiều tờ báo đã ra đời, tờ "Phá ngục" được xem là tờ báo rất đặc biệt. Các chiến sĩ đã dùng vỏ sò, san hô nung làm phấn, viết trên nền nhà. Sau đó thông tin được truyền đi trong nhà tù... Ðịch truy bắt, cấm đoán, đánh đập..., nhưng báo chí trong tù ngục vẫn xuất bản đều đặn, là ngọn lửa truyền đi tinh thần cách mạng từ buồng giam này sang buồng giam khác.

Phần trưng bày Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng kể về câu chuyện những nhà báo, chiến sĩ can trường trên chiến trường khốc liệt; những nhà báo đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trưng bày giới thiệu thân thế, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của những nhà báo-liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến như: Nhà báo Trần Mai Ninh, nhà báo Trần Kim Xuyến, nhà báo Bùi Ðình Túy, nhà báo Lê Ðình Dư...

Lại Minh Ngọc, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Ngày hôm nay khi được sống trong hòa bình, làm báo với các phương tiện hiện đại, nếu không xem các tư liệu, hình ảnh này, em không thể hình dung có những giai đoạn, các bậc tiền bối phải làm báo trong hoàn cảnh khó khăn như thế. Ðiều đó khiến chúng em thấy mình cần cố gắng học tập tinh thần của những lớp người đi trước".