Ðầu tư phát triển hạ tầng thương mại

Từ đầu năm 2021 đến nay, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có thêm các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ mới, góp phần mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, tương xứng với vị thế của Thủ đô thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. 

Siêu thị BRGMart Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) mới khai trương đầu tháng 7/2021, thu hút đông người dân tới mua sắm.
Siêu thị BRGMart Bùi Ngọc Dương (quận Hai Bà Trưng) mới khai trương đầu tháng 7/2021, thu hút đông người dân tới mua sắm.

Mạng lưới thương mại ngày càng phủ khắp

Sau hơn sáu tháng đi vào hoạt động, tổ hợp đại siêu thị, trung tâm mua sắm Vincom Mega Mall Ocean Park tại huyện Gia Lâm đã trở thành điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên... Vincom Mega Mall Ocean Park có quy mô bốn tầng nổi, tổng diện tích hơn 56.000 m2, quy tụ 136 thương hiệu mua sắm, vui chơi, giải trí và ẩm thực lớn. Ở khu vực phía tây Thủ đô, trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall Smart City tại phường Tây Mỗ và Ðại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cũng đang nhanh chóng hoàn thiện để sớm đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Bên cạnh những TTTM tại các khu đô thị mới, các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư, mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thủ đô. Ðại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (đơn vị thành viên của Tập đoàn BRG) cho biết, đơn vị tiếp tục nâng cấp, cải tạo lại toàn bộ hệ thống cửa hàng bán lẻ sẵn có, đồng thời tiếp tục mở mới chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Sáu tháng đầu năm 2021, đơn vị đã mở mới, nâng cấp được 12 siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu BRGMart; Haprofood - BRGMart. Hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ cũng phát triển thêm 30 cửa hàng; hệ thống Homefarm thêm tám cửa hàng; hệ thống Circle K thêm năm cửa hàng... Ngoài ra, còn có các siêu thị mới như: Fujimart số 3 phố Tây Sơn, quận Ðống Ða; Muji tại Vinhomes Metropolis Liễu Giai, quận Ba Ðình...; hai chợ mới là chợ và dịch vụ thương mại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; chợ trung tâm thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Ðức.

Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị; hơn 1.900 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 457 chợ; 494 cửa hàng xăng dầu, 415 máy bán hàng tự động…, tạo nên mạng lưới bán buôn, bán lẻ phủ khắp thành phố.

Tháo gỡ đầu tư cho phát triển hạ tầng thương mại

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Ðinh Thị Mỹ Loan đánh giá, hệ thống thương mại của Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng sẵn có. Hầu hết các chợ được xây dựng từ nhiều năm trước, đã xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu, nhưng công tác thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ chưa được quan tâm hoặc chưa tìm được sự thống nhất giữa chủ đầu tư và tiểu thương. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, nhu cầu về chợ đầu mối hiện rất lớn, nhưng còn thiếu và bố trí chưa hợp lý. Nhiều chợ hạng 2, hạng 3 như chợ Long Biên, chợ đêm Văn Quán, chợ cá Yên Sở… hiện đang phải hoạt động như một chợ đầu mối, gây quá tải và không bảo đảm các yêu cầu về diện tích, an toàn. Trên địa bàn hiện cũng chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm bán buôn lớn. Với loại hình thương mại Outlet, dù Hà Nội đã đề xuất, nhưng hiện Bộ Công thương chưa có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn dành riêng cho loại hình kinh doanh này.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong sáu tháng đầu năm, bên cạnh các siêu thị mới mở, có khoảng 10 siêu thị phải đóng cửa để doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tình hình dịch Covid-19 tại các nước trên thế giới cũng khiến dự án nghiên cứu khả thi xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội bị chậm tiến độ triển khai. Hiện nay, đã có các doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư chợ đầu mối nông sản tại huyện Mê Linh; chợ đầu mối hàng nông nghiệp nông thôn (OCOP) thị trấn Quốc Oai…, nhưng vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Ngày 10/6/2021, Sở đã trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt Kế hoạch quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Theo kế hoạch này, thành phố sẽ thực hiện đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 141 chợ; cải tạo, nâng cấp 168 chợ. Sau khi UBND thành phố phê duyệt kế hoạch, Sở Công thương sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

Theo Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 24/5/2018 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển 52 trung tâm mua sắm; 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, 1.000 cửa hàng tiện ích; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng… Ðể thực hiện mục tiêu này, thành phố cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu. Ðồng thời, cần tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để khắc phục khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực... Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, tương xứng với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế quốc gia như mục tiêu đề ra.