Áp lực tuyển sinh đầu cấp

Chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, TP Hà Nội đang lên kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh trái tuyến và tăng cường áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến.

Công tác chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp được Trường tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai) khẩn trương triển khai.
Công tác chuẩn bị cho tuyển sinh đầu cấp được Trường tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai) khẩn trương triển khai.

Ðến thời điểm này, hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh đầu cấp với thời gian tuyển sinh bắt đầu từ 12-7. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội, năm nay, thành phố vẫn áp dụng đồng thời hai phương thức là tuyển sinh trực tiếp và tuyển sinh trực tuyến.

Ðặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở yêu cầu các phòng GD và ÐT, các nhà trường tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về các hình thức tuyển sinh; khuyến khích phụ huynh học sinh áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh học sinh trong trường hợp cần thiết.

Thời gian triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp gồm các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm nay được lùi đến giữa tháng 7, muộn hơn so với các năm trước. Cụ thể, với hình thức tuyển sinh trực tuyến, các trường tuyển học sinh lớp 1 từ ngày 12 đến 14-7; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào trường mầm non từ ngày 15 đến 17-7; tuyển học sinh vào lớp 6 từ ngày 18 đến 20-7.

Với hình thức tuyển sinh trực tiếp, các nhà trường nhận hồ sơ từ ngày 23 đến 28-7-2021. Theo Sở GD và ÐT Hà Nội, đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành việc cấp mã số học sinh. Phụ huynh học sinh sử dụng mã số này trong quá trình đăng ký tuyển sinh.

Về quy mô tuyển sinh năm nay, quận Hoàng Mai vẫn là một trong những địa bàn tăng mạnh về chỉ tiêu tuyển sinh. Phó Chủ tịch UBND quận Trần Quý Thái đã phê duyệt tổng số 369 lớp mầm non, tăng 14 lớp, cấp tiểu học tăng 75 lớp và cấp THCS tăng 34 lớp so với năm 2020. Ở các trường tiểu học, mặc dù đã tăng tới 75 lớp, nhưng để đáp ứng nhu cầu của học sinh tại các địa bàn đông dân cư, quận phải bố trí sĩ số học sinh lên tới 47, 48 học sinh/lớp. Quận cũng phải bố trí học luân phiên vào ngày thứ bảy với 13 trường trong tổng số 19 trường tiểu học trên địa bàn.

Quận Cầu Giấy cũng là một trong những quận chịu áp lực lớn về nhu cầu nhập học tại các trường công lập. Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD và ÐT quận, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, phòng đã phối hợp với UBND các phường tiến hành rà soát số dân các chung cư mới để sửa đổi, bổ sung phân tuyến tuyển sinh nhằm huy động được số trẻ trong độ tuổi tuyển sinh đến trường với tỷ lệ cao nhất với yêu cầu hạn chế tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, qua điều tra số học sinh trong độ tuổi lớp 1 trên địa bàn quận này thì có tới 4.930 em, nhưng các trường công lập chỉ có thể đáp ứng được 4.022 em, do đó sĩ số học sinh trên lớp tại các trường của quận thuộc mức cao nhất thành phố, từ 40 đến 49 học sinh/lớp. Quận yêu cầu hệ thống các trường ngoài công lập trên địa bàn quận phối hợp giãn bớt áp lực tuyển sinh vào các trường công.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD và ÐT quận Hà Ðông cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán, các nhà trường trên địa bàn đã điều tra phổ cập để lấy số liệu, căn cứ vào tình hình thực tế các nhà trường, chính quyền phường sở tại sẽ đề xuất số lượng tuyển sinh có thể đáp ứng được, sau đó Phòng GD và ÐT sẽ xem xét cân đối học sinh trên toàn quận.

"Với một số phường không thể đáp ứng hết được số lượng học sinh, chúng tôi sẽ tách tuyến sang các phường lân cận. Trong vài năm gần đây, lượng học sinh trái tuyến đã giảm đáng kể, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại hầu hết đều học đúng tuyến", bà Hằng khẳng định.

Ngoài ra, một trong những lý do giảm số lượng học sinh trái tuyến chính là việc quận này thành lập mới cho nên có rất nhiều trường học, nhất là trường tại các khu đô thị, cho nên giảm hẳn tình trạng phụ huynh xin trái tuyến cho con em mình.

THẾ HẢI