Quá tải các điểm sinh hoạt hè

NDO - Ðã gần một tháng hè trôi qua, vậy mà không ít em nhỏ chưa cảm nhận được sự sôi động, lý thú và bổ ích của những ngày hè, vì các em chỉ quanh quẩn ở nhà.

Còn các vị phụ huynh đi làm việc mà trong lòng thiếu yên tâm bởi cảm giác vừa có lỗi với các con, lại vừa trách móc về điều kiện sinh hoạt hè của trẻ em còn nhiều thiếu thốn và nghèo nàn.

Nghỉ hè là niềm vui vô bờ bến của trẻ nhỏ nhưng lại là nỗi vất vả, lo lắng của các bậc phụ huynh. Nếu trong năm học, các con có chương trình sinh hoạt, học tập đều đặn, nền nếp giúp các bậc cha mẹ có thể chủ động được thời gian chăm sóc, yên tâm làm việc thì ba tháng nghỉ hè là khoảng thời gian rất bị động đối với phụ huynh. Nhiều trẻ em do ở nhà không có người trông nom cho nên được cha mẹ đưa đi gửi ông bà, người thân hoặc học hè. Tuy nhiên, như vậy thì các em chỉ được bảo đảm an toàn, chứ không được tận hưởng một mùa hè đúng nghĩa. Trẻ nhỏ có nhu cầu được giao lưu, vui chơi thỏa thích trong những ngày hè; học mà chơi, chơi mà học, chứ không phải chịu những áp lực về học tập như trong năm học. Vì vậy, mới chớm hè, các bậc phụ huynh đã đôn đáo đăng ký các lớp học, các khóa sinh hoạt hè cho con, để các con được gặp gỡ bạn bè, lại vừa được vui chơi, tiếp thu những kiến thức mới mẻ.

Ở Hà Nội, với mật độ dân số cao, nhu cầu giải trí, học ngoại khóa của trẻ em là rất lớn. Vậy mà, cả thành phố chỉ có hai trung tâm sinh hoạt hè đã có truyền thống và uy tín, được rất nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn là Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội và Trường Thể thao Thiếu niên 10-10. Những nơi này có các môn học phong phú, kinh nghiệm tổ chức giảng dạy tốt và chi phí học không cao, phù hợp điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con học nhiều môn để con không bị lãng phí kỳ nghỉ trong sự nhàm chán. Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội chủ yếu tổ chức các lớp học có tính chất làm quen với nghệ thuật, học hỏi kỹ năng sống, rèn luyện sinh hoạt tập thể như: vẽ, xếp hình, đàn, hát, luyện kỹ năng giao tiếp, nữ công, kỹ năng sáng tạo (lắp ráp mô hình, làm phim...), nghi thức, thời trang, kể chuyện, sáng tác văn học... Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 thì tập trung vào các môn rèn luyện thể chất: bơi, võ, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, thể dục nghệ thuật...

Hai cơ sở này luôn luôn quá tải vào mùa hè. Số lượng học sinh đăng ký các môn học rất đông, trong khi giáo viên và cơ sở vật chất có hạn. Phụ huynh đăng ký được cho con vào học đúng môn yêu thích đã vất vả; nhưng khi các em đi học mới "thấm" những nỗi khổ vì mùa hè nóng nực mà lớp học quá đông. Chưa kể, có những ca học vào khoảng thời gian không phù hợp với sinh hoạt gia đình làm cho bố mẹ đưa đón đã tất bật mà giờ giấc sinh hoạt của cả nhà cũng bị đảo lộn. Theo lãnh đạo Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Cung tổ chức hơn 50 môn học với khoảng 70 cấp bậc, trình độ khác nhau, chia làm sáu, bảy ca học trong ngày, thu hút từ 25 đến 30 nghìn em tham gia. Một số bộ môn mới được bổ sung vào giảng dạy như bóng bay nghệ thuật, tạo hình nghệ thuật cũng đã có nhiều em đăng ký học... Cung còn mong muốn tạo thêm nhiều loại hình sinh hoạt hè thú vị cho các em ngoài các môn học nói trên, vừa để các em có kỳ nghỉ vui vẻ, vừa giúp phụ huynh có chỗ gửi con yên tâm. Tuy  nhiên, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay không cho phép. Ðược đầu tư xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, đến nay Cung Thiếu nhi Hà Nội với quy mô là một tòa nhà sáu tầng với 100 phòng học đã ở tình trạng "lão hóa". Các trang thiết bị dù vẫn được kiểm tra thay thế hằng năm nhưng vẫn rất nghèo nàn, không thể đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của các em.

Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 cũng ở trong tình trạng tương tự. Ở đây năm nào cũng diễn ra cảnh phụ huynh nhễ nhại, căng thẳng xếp hàng đăng ký học cho con. Hầu như môn học nào cũng quá tải lượng người đăng ký, nhất là các môn bơi, võ thuật, bóng đá, cờ vua, khiêu vũ thể thao, thể dục nhịp điệu... Lãnh đạo nhà trường cho biết, với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có, nhà trường chỉ đáp ứng được 1/10 nhu cầu của phụ huynh. Trong khi đó, không chỉ các em trên địa bàn quận Ba Ðình đăng ký học, mà các gia đình ở nhiều quận, huyện khác cũng đưa con đến học tại đây, kể cả ở khu vực ngoại thành. Cơ sở cấp thành phố đã vậy thì đối với Nhà văn hóa quận - những nơi nếu có tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi cũng hoạt động rất hạn chế do thiếu thốn cả về cơ sở vật chất và lẫn các hoạt động sinh hoạt...

Trước tình trạng quá tải nói trên, nhiều cơ sở dạy tiếng Anh cho trẻ em, dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập hiệu quả, các khóa học sáng tạo, tìm hiểu thực tiễn... xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con ngày hè của phụ huynh. Rất nhiều hình ảnh hoạt động ngày hè hấp dẫn được quảng bá và nhờ vậy cũng thu hút khá đông phụ huynh đăng ký cho con học. Tuy nhiên, giá cả khóa học khá cao so với thu nhập bình quân của các gia đình. Chị Nguyễn Phương Anh ở phường Cát Linh (quận Ðống Ða) cho biết, chị vừa đăng ký cho con gái bảy tuổi học khóa học kỹ năng giao tiếp tại Trung tâm Tâm Việt (phố Ðội Cấn, quận Ba Ðình). Khóa học diễn ra trong bảy ngày với học phí là 1 triệu 500 nghìn đồng. Khóa học quá ngắn ngủi và chi phí không phải là nhỏ so với đồng lương công chức nhưng chị đã cố gắng đầu tư để cho con có được một khoảng thời gian vui vẻ, bổ ích. Tuy nhiên, chỉ sau bảy ngày chị lại đành để con thơ thẩn ở nhà với ông bà cả mùa hè, bởi không thể đủ điều kiện cho con tiếp tục theo các khóa học khác. Chị tâm sự: Với số tiền ấy, con gái tôi có thể học ba tháng hè tại Cung Thiếu nhi hay các nhà văn hóa, nhưng các cơ sở quá đông và điều kiện sinh hoạt không tốt, tôi sợ con bị ốm. Chị Phương Anh ao ước, giá như những nơi ấy được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn và không bị quá tải đến như vậy, để chị có thể yên tâm gửi con ở đó ba tháng hè. Chị Hoài Hương nhà ở khu đô thị mới Ðịnh Công cũng quyết tâm bỏ ra hơn bốn triệu đồng để cho con học tại Trung tâm Anh ngữ PoPodoo. Ðiều kiện học tập tại trung tâm tốt, con chị được làm quen tiếng Anh dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người nước ngoài. Tuy nhiên, với nhu cầu chỉ là có chỗ cho con sinh hoạt, vui chơi ngày hè, chị cho rằng khoản chi phí ấy quá lớn so với điều kiện thu nhập của gia đình.

Ðiều kiện sinh hoạt hè cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố còn thiếu thốn không chỉ gây khó khăn, vất vả cho phụ huynh  mà còn lãng phí những ngày hè rất quý giá của các em nhỏ. Mong rằng, ngoài việc đầu tư nâng cấp các cơ sở nói trên, thành phố cần quan tâm xây mới những trung tâm sinh hoạt hè bảo đảm chất lượng cho các cháu để kỳ nghỉ hè thật sự là khoảng thời gian nghỉ ngơi, vui chơi bổ ích, lý thú.