Gỡ khó cho nhà ở xã hội

Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Tại hội nghị này sẽ có 26 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với số vốn khoảng 72 nghìn tỷ đồng, hình thành hơn ba triệu mét vuông nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường. Ðây là tin vui cho những người có thu nhập thấp, tuy nhiên để cụ thể hóa được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cũng cần các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để khơi thông từ thủ tục hành chính đến nguồn vốn.

Bởi thực tế, dù đã khá quyết liệt, nhưng trong năm 2019 trên địa bàn Hà Nội chỉ có thêm ba dự án NƠXH được hoàn thành, với 170.861 m2 sàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các dự án bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chính vì nguồn cung khan hiếm, cho nên tại phân khúc này, thời gian qua có những dự án rất đắt hàng, khách hàng phải bốc thăm để được một suất mua như dự án: Chung cư Ðại Kim (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Sài Ðồng (quận Long Biên), chung cư 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và một vài dự án khác trong khu vực nội thành.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã kêu gọi đầu tư 62 dự án. Ðến nay, 19 dự án đã hoàn thành khoảng 0,9 triệu m2 sàn. Bên cạnh đó, còn 43 dự án đang triển khai với hơn 3,1 triệu m2 sàn. So với mục tiêu phát triển khoảng 6,2 triệu m2 NƠXH, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 2,2 triệu m2 nữa.

Một số chủ đầu tư cho biết, mặc dù các dự án NƠXH được ưu đãi thuế đất, nhưng bị khống chế về giá bán. Do đó, lợi nhuận sẽ không bằng các dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại nếu không được hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, thủ tục cho các dự án chậm cũng là một trở ngại lớn. Theo kiến trúc sư Trần Tuấn Anh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), thời gian gần đây mức giá bán NƠXH tăng cao do những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép dự án. Ðể một dự án đi vào triển khai thì cần khoảng ba đến bốn năm để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Thời gian làm thủ tục kéo dài dẫn đến việc chủ đầu tư tăng giá bán để bù lấp chi phí.

Ðể tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Chí Dũng thông tin, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, từ năm 2019, thành phố đã hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển NƠXH. Nguồn tiền thu từ các dự án nhà ở thương mại tương đương giá trị từ 20 - 25% quỹ đất dự án (theo quy định dự án nhà ở thương mại phải dành từ 20 - 25% quỹ đất phát triển NƠXH, thành phố cho phép chủ đầu tư quy đổi thành tiền). Ðến nay, đã có 27 dự án nhà ở thương mại nộp hơn 2.754 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 96 dự án chưa nộp tiền với khoảng hơn 8.249 tỷ đồng. Với số tiền này, Sở Xây dựng đang đề xuất UBND thành phố cho phép chuyển sang Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố quản lý, để đầu tư xây dựng NƠXH hoặc cho doanh nghiệp, người dân vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư, mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, chậm tiến độ hoặc đã giao nhưng không triển khai; đồng thời có kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay tiền mua NƠXH với lãi suất ưu đãi.