Giá chung cư biến động

Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung bất động sản tại Hà Nội đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Năm 2019, thị trường bất động sản tại Hà Nội tụt giảm 24% về nguồn cung khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao, trung bình giá chung cư tại Hà Nội đã tăng khoảng 8% so với năm 2018. Đây chính là cơ sở khiến cho giá bất động sản năm 2020 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, năm 2019, Hà Nội có 58 dự án bất động sản đủ điều kiện bán hàng. Trong khi đó, năm 2018 có 69 dự án, năm 2017 có 115 dự án. Sau một thời gian dài giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội tương đối ổn định, thì đến cuối năm 2019, sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá bán căn hộ trung và cao cấp tăng 3 đến 5%, có dự án tăng đến 10%. "Theo dự báo, năm 2020 mức tăng giá này có thể hơn 10%. Nếu tình trạng thiếu cung còn tiếp tục như hiện nay, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ thiếu cung trầm trọng trong năm 2021”, ông Đính đánh giá.

Đồng quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội bất động sản Việt Nam) Vũ Đức Khuê cho biết, người mua sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nguồn cung mới của thị trường giảm sút, do giá bán tăng. “Đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án đã được cấp phép từ năm 2019 trở về trước đang được chủ đầu tư tích cực triển khai để kịp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời điểm nguồn cung đang khan hiếm. Nhưng chắc chắn giá bán vẫn sẽ được chủ đầu tư đẩy lên”, ông Khuê nhận định. Một chuyên gia khác cho rằng, sự "vỡ trận" của căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào phân khúc này. Trong các phân khúc bất động sản hiện nay, phân khúc nhà ở tại các đô thị lớn đang là lựa chọn hợp lý. Nhưng trong bối cảnh thiếu nguồn cung thì giá phân khúc này có thể tăng cao.

Trên thực tế, việc chấn chỉnh thị trường bất động sản thông qua việc siết chặt thủ tục hành chính và kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp giấy phép dự án mới cũng tác động đến nguồn cung dự án căn hộ. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… cũng góp phần làm giảm nguồn cung. Nhu cầu triển khai dự án của các nhà đầu tư khá cao, nhưng công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng dự án lại không thể triển khai nhanh cũng làm quá trình triển khai dự án bị kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, bên cạnh việc kiểm tra, rà soát các dự án, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có giải pháp đẩy nhanh quy trình thủ tục hành chính để khắc phục tình trạng cung không đủ cầu trên thị trường, vốn là một trong những nguyên nhân làm thị trường bất động sản mất ổn định.