Kiểm soát hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân

Thời gian qua, hoạt động của mạng lưới quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc cung cấp nguồn vốn sản xuất, kinh doanh cho các hộ dân, nhất là tại khu vực nông thôn. Điều này đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi.

Không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ của hệ thống ngân hàng, trong khi nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ, máy móc, nhà xưởng của các hộ dân ngày càng tăng. Chính vì vậy, các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đã đáp ứng được nhu cầu của các hộ sản xuất. Theo Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 98 quỹ TDND với tổng vốn hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2017, vốn điều lệ đạt 335 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng là 12%, dư nợ cho vay đạt hơn bảy nghìn tỷ đồng. Số thành viên tham gia là hơn 121 nghìn người, tăng hai nghìn thành viên so với cùng kỳ năm 2018.

Nhìn chung, hoạt động của các quỹ TDND có chiều hướng phát triển tốt. Năm 2018, một số quỹ đã có nguồn vốn huy động tăng mạnh so với năm 2017 như: Quỹ TDND Hương Sơn tăng 61%, Dương Liễu tăng 32,5%, An Mỹ tăng 28%, Tây Đằng tăng 24,3%, Dũng Tiến tăng 23,6%... Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Lê Văn Thư nhận xét, bảy tháng đầu năm 2019, các quỹ TDND tiếp tục có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra. Bộ máy hội đồng quản trị, ban kiểm soát, người điều hành của hầu hết các quỹ đã đáp ứng đủ số thành viên, các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nợ xấu từng bước được xử lý, góp phần làm minh bạch và lành mạnh tài chính. Chất lượng hoạt động, khả năng thanh toán, chi trả của các quỹ tín dụng được nâng lên, tỷ lệ an toàn trong hoạt động được bảo đảm. Hoạt động của các quỹ tín dụng đã hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở các địa phương.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có hơn 100 quỹ TDND cơ sở hoạt động tốt; nguồn vốn huy động tăng bình quân từ 10% đến 12% năm. Dư nợ cho vay tăng bình quân từ 8% đến 10%/năm, đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên toàn địa bàn dưới 1,5% tổng dư nợ...

Bên cạnh những quỹ TDND hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số quỹ hoạt động yếu kém, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, không liên kết, tương trợ giữa các thành viên theo nguyên tắc mô hình hợp tác xã. Trong quá trình hoạt động, nhiều quỹ TDND phát sinh các rủi ro, chủ yếu là do người chịu trách nhiệm quản lý quỹ, ảnh hưởng đến trật tự an ninh trên địa bàn. Đơn cử, tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Quỹ tín dụng cơ sở Đại Đồng (huyện Thạch Thất) Kiều Đức Ấm 16 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (hơn 2,2 tỷ đồng của quỹ tín dụng Đại Đồng).

Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Dương Nội Nguyễn Văn Sinh cho rằng, vẫn còn một số quy định đối với hoạt động của quỹ TDND chưa phù hợp với thực tế. Trong thời gian tới, cần có những quy định, chế tài chặt chẽ hơn để khắc phục những “kẽ hở” trong công tác kho quỹ, quản trị, điều hành, kiểm soát hoạt động của quỹ TDND. Đồng thời, tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu để quỹ TDND hoạt động ngày càng an toàn, hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên tham gia, góp phần phát triển kinh tế địa phương.