Phát triển cân đối các loại hình nhà ở

Trước tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số nhanh chóng, nhu cầu nhà ở vẫn tiếp tục tăng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội. Bài toán cần giải hiện nay là phát triển cân đối quỹ nhà ở để tạo điều kiện an cư cho tất cả đối tượng.

Đến nay, thành phố đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra về tổng diện tích nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đạt 27,25 m2/người (so với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là 26,3 m2 /người); tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn đạt 224,73 triệu m2, tăng thêm 49,67 triệu m2 so với năm 2016; hoàn thành xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đạt khoảng 92%. Nhưng nếu tính theo các chỉ tiêu mét vuông sàn của từng loại nhà ở thì chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu m2 sàn, vượt hơn 1,14 triệu m2.

Nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi với nhà ở xã hội thành phố đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2, song chỉ thực hiện 1,25 triệu m2. Đối với nhà tái định cư, thành phố thực hiện được 371 nghìn m2 so với mục tiêu 1,2 triệu m2. Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân của sự phát triển "lệch pha" do chính sách phát triển nhà ở xã hội còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đơn cử như nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. So với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án đã hoàn thành có vị trí xa trung tâm.

Để từng bước cân đối quỹ phát triển nhà ở, tạo điều kiện cho tất cả đối tượng được cải thiện nơi ở, tại dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người; phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; 0,565 triệu m2 nhà ở tái định cư; 19,69 triệu m2 nhà ở thương mại... Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn. Phấn đấu 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động, ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực ngoại thành, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị vệ tinh...

Về nguồn lực đầu tư, lãnh đạo thành phố Hà Nội thông tin, sẽ huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia và có cơ chế rõ ràng, cụ thể để thu hút nguồn lực đầu tư. Thành phố Hà Nội sẽ lựa chọn 5 khu chung cư cũ để thí điểm cải tạo, xây dựng lại. Tiếp tục rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội; sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong khu đô thị, khu nhà ở thương mại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua; đôn đốc các dự án nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư... Hà Nội cũng chủ động rà soát quỹ đất phát triển nhà ở, cân đối việc cấp phép cho các dự án, ưu tiên quỹ đất cho những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất cơ chế đặc thù. Về giải pháp phát triển nhà ở, các chuyên gia đánh giá cao song cũng khuyến cáo, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch tại các dự án, khu vực, nhằm tránh những hệ lụy về quá tải, tạo thêm nhiều áp lực đối với đô thị.