Quy hoạch - Ðầu tư

Lãng phí không đáng

Quỹ đất sạch tại các đô thị lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đang thiếu hụt, nhưng tại nhiều khu vực vẫn còn nhiều dự án bỏ hoang cả chục năm, kéo theo hệ lụy không đáng có. Nghịch lý này cần sớm được giải quyết.

Ði qua các trục đường lớn ven đô của Hà Nội không khó bắt gặp những lô đất hàng nghìn mét vuông bỏ trống. Một số điểm đã được cho thuê để kinh doanh nhà hàng, bán xe ô-tô, trông giữ phương tiện...

Thậm chí, nhiều dự án nằm trong khu dân cư đã được quy hoạch, giao đất, song chủ đầu tư vì nhiều lý do đến nay chưa triển khai, đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ðiển hình như hàng chục hộ dân phường Yên Phụ, quận Tây Hồ sống trên khu đất thuộc dự án Sông Hồng City, nhiều năm qua không được xây dựng nhà ở bởi vướng dự án "treo" này. Tương tự, người dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai cũng bức xúc vì dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt "treo" đến nay là 14 năm. Dự án này cơ bản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhưng do chưa triển khai, để cỏ dại mọc um tùm, đường sá chung quanh xuống cấp gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Hay như khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân-Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai có sáu khối nhà cao tầng, nhưng do thiếu vốn cho nên hai khối nhà bị bỏ hoang từ nhiều năm nay… Trước sự lãng phí này, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất cho phép chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê.

Với dự án thuộc thành phần kinh tế khác, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có những chế tài mạnh để xử lý, chấm dứt hoạt động của hơn 30 dự án. Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành các quyết định chấm dứt việc đầu tư, thu hồi khoảng 10 dự án do chủ đầu tư không triển khai đúng tiến độ, trong đó có dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế-Chèm, quận Bắc Từ Liêm; dự án khu nhà ở để bán tại Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Cuối tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội phối hợp kiểm tra, xử lý các dự án "treo", bỏ hoang đất trên địa bàn thành phố. Bởi dự án bỏ hoang kéo dài nhiều năm đã khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, gây lãng phí tài nguyên đất. Không những thế, tại nhiều dự án đã và đang xuất hiện tình trạng sử dụng sai mục đích, dẫn đến tranh chấp, tái lấn chiếm, gia tăng vấn đề mất an ninh trật tự, văn minh đô thị.

Rất nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ các biện pháp mạnh được đưa ra để ngăn chặn dự án "treo". Ông Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nhìn nhận: "Rất nhiều khu đất người dân muốn quy hoạch phát triển đồng bộ, song lại để hoang hóa hàng chục năm. Thành phố quản lý chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, nhất là thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, các khu đất bỏ hoang đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội".

Nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, thành phố cần có sự giám sát chặt chẽ hơn, nhất là đối với dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách. Cần rà soát thường xuyên các dự án, dự án nào chủ đầu tư không có khả năng tài chính hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai phải kiên quyết thu hồi, sớm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tránh sự lãng phí không đáng có.

Nguyên Ðào