Khắc phục lãng phí nguồn lực đất đai

Để đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công tác quy hoạch xây dựng phải có tầm nhìn dài hạn, bài bản, nhất là phải khắc phục bằng được sự hạn chế về chất lượng và tiến độ cũng như hiện tượng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

Theo báo cáo mới nhất của HĐND thành phố Hà Nội về kết quả giám sát và tái giám sát, trên địa bàn TP Hà Nội có 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Cụ thể, đối với 89 dự án chậm triển khai, đã được Thường trực HĐND thành phố kiến nghị từ tháng 9-2012, đến nay còn 56 dự án chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát. 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3-2021, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.

Bên cạnh đó, 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012 - 2017 mà HĐND thành phố đã có kiến nghị, đến nay vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có các vi phạm. Đặc biệt, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, qua tái giám sát, HĐND thành phố đã phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai, phát sinh sau khi HĐND thành phố tổ chức giám sát từ tháng 7-2018 đến tháng 3-2021.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, tài sản, quy hoạch cần phải đi trước, có tầm nhìn xa hơn và phải gắn chặt với kế hoạch sử dụng đất dài hạn. Quy hoạch "treo", dự án bỏ hoang lãng phí xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đội ngũ cán bộ quy hoạch chưa đủ năng lực cho nên chất lượng quy hoạch không phù hợp thực tế kinh tế, xã hội, định hướng phát triển lâu dài. Các quy hoạch không tính toán toàn diện, đầy đủ các nhân tố tác động như nguồn tài chính, biến động kinh tế, xã hội, môi trường, giao thông. Quá trình triển khai thiếu đồng bộ, từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng xã hội. Tiến độ triển khai không bảo đảm kế hoạch... Vì thế, mấu chốt là cơ quan lập quy hoạch phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, có tầm nhìn chiến lược, bám sát vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích quốc gia, của người dân lên hàng đầu.

Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, chủ đầu tư các dự án phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục đích, thời hạn đã được duyệt. Nếu dự án quá hạn theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay thu hồi, thậm chí phải xử phạt chủ đầu tư cố tình chậm đưa đất đai vào khai thác. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thật sự trở thành định hướng, động lực cho phát triển bền vững. Đồng thời rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, cân đối được các nguồn lực theo từng giai đoạn cụ thể.