Huy động các nguồn lực cho dự án đường vành đai 4

Vành đai 4 là tuyến đường ngoài khu vực đô thị trung tâm Hà Nội, liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường trục hướng tâm, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận, tạo động lực phát triển vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. Đây là tin rất vui, bởi tuyến đường vành đai 4 đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, nhưng mười năm qua, dự án này vẫn chưa được triển khai.

Theo quy hoạch, đây là tuyến đường vành đai ngoài của đô thị trung tâm Hà Nội, giải quyết bài toán giao thông liên vùng cho đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và trung tâm các tỉnh phía bắc vùng Thủ đô, đã được Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 111 km, đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư ước tính là 94.127 tỷ đồng.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, mà còn tăng cường khả năng kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với đó, tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nhất là tạo ra không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư.

Đánh giá về dự án này, nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng, hiện nay là thời điểm thuận lợi để triển khai dự án. Tuy nhiên, đây là dự án lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp. Vì vậy, để dự án sớm triển khai, UBND thành phố cần xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh. Thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư dự án theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, trong đó lưu ý lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định. Đặc biệt, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm khai thác, huy động cao nhất các nguồn lực để thực hiện dự án nhanh chóng, hiệu quả... ■