Giám sát chặt chẽ quy hoạch xây dựng

Chuyện phá vỡ quy hoạch xây dựng một lần nữa làm nóng dư luận khi mới đây Bộ Xây dựng công bố kết luận thanh tra về những vi phạm trên trục phía tây nam Hà Nội với những hệ lụy để lại đối với xã hội quá rõ ràng.

Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng ngày 17/5/2022 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng của 13 dự án nhà chung cư và nhiều dự án khác dọc tuyến đường Lê Văn Lương-Tố Hữu-Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính (Hà Nội). Ðáng lưu ý, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra, có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án diện tích cây xanh chỉ đạt 10%. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định tại Ðiều 3 Quyết định số 130/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều chỉ tiêu về chiều cao công trình, số tầng, hạ tầng xã hội bị phá vỡ. Sau khi di dời các cơ quan không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp, khiến hạ tầng khu vực quá tải nghiêm trọng.

Không chỉ tại tuyến đường Lê Văn Lương-Tố Hữu-Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, tình trạng này còn xảy ra tại nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố khiến cho nhiều tuyến đường bị quá tải do áp lực dân cư dồn nén từ các tòa nhà cao tầng; không ít dự án bị cắt xén diện tích đất công trình công cộng, xây dựng tòa nhà cao tầng… Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, theo quy tắc phát triển, quy hoạch hạ tầng phải đi trước một bước, từ đó mới sắp xếp không gian đô thị, phần nào để phát triển các dịch vụ xã hội, phần nào dành cho xây dựng không gian ở… đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đô thị tại khu vực. Tiến sĩ Lý Văn Vinh, Viện Kiến trúc quốc gia nhận định: Sự bùng nổ nhanh, mạnh các dự án phát triển bất động sản thời gian qua đang bộc lộ dấu hiệu đánh đổi chỉ tiêu đô thị bền vững để phát triển. Hai chỉ tiêu là công cụ quản lý quan trọng mà các đô thị phát triển trên thế giới đều đã sử dụng là mật độ dân số và hệ số sử dụng đất đang bị xem nhẹ, thậm chí bị hợp thức hóa để phát triển dự án bất động sản bằng mọi giá.

Vì thế, cần hoàn thiện các công cụ giám sát cấp phép, thực thi quy hoạch nhà cao tầng nội đô theo trình tự luật định; công bố công khai để cơ quan quản lý, cộng đồng và từng người dân tham gia giám sát. Cần giám sát chặt chẽ quy trình điều chỉnh cục bộ hiện nay, bảo đảm các tiêu chí trung thành với mục tiêu của quy hoạch chung được duyệt để những hệ lụy đối với các đô thị lớn nói chung, Hà Nội nói riêng sẽ được hạn chế hoặc có chăng sẽ giảm tải những bức xúc về ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, úng ngập mỗi khi mưa lớn… ■